Thứ Năm, 03/10/2024 20:22 CH
Chuyển giao công nghệ cho xã viên hợp tác xã:
Hiệu quả cao nhưng còn trở ngại
Thứ Năm, 15/07/2010 11:05 SA

Nhờ áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Phú Yên đã phát triển, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, hiện có không ít xã viên gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ mới.

 

mo-hinh-trong-rau100715.jpg

Cán bộ các HTX ở tỉnh Phú Yên đang tham quan mô hình trồng rau sạch ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: P.HÙNG

 

Hiện nay, một số HTX ở Phú Yên gắn việc phát triển kinh doanh dịch vụ với liên kết “bốn nhà” theo hướng tận dụng tối đa hiệu quả từ nguồn công nghệ được chuyển giao nhằm mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh và gia tăng nguồn thu cho HTX.

 

HIỆU QUẢ THẤY RÕ

 

Trước đây, HTX Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa) gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh dịch vụ, hiệu quả sản xuất thấp, năng suất lúa liên tục giảm… Gần đây, HTX này chủ động phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN-PTNT), Công ty Bảo vệ thực vật An Giang – Chi nhánh Phú Yên triển khai mô hình sản xuất lúa trên diện tích hàng chục héc-ta với sự tham gia của hàng trăm xã viên. Với mô hình này, trong suốt mùa vụ, cán bộ kỹ thuật của Viện Bảo vệ thực vật cùng ra đồng với nông dân, giúp họ làm chủ các kỹ thuật thâm canh hiện đại, thử nghiệm các giống mới cũng như giải đáp các thắc mắc về quy trình dùng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực hằng năm của HTX Hòa Thắng 2 mấy năm qua luôn đạt mức cao, với trên 6.000 tấn, năng suất bình quân 155-165 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người đạt 820kg/năm (kể cả lúa vụ 10). Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ nhiệm HTX Hòa Thắng 2 cho biết: “Trước đây do hạn chế về vốn, nguồn nhân lực cũng như thiếu tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, nên các HTX chậm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu cũng như hiệu quả hoạt động của HTX. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ làm tốt việc liên kết “bốn nhà” nên tình hình sản xuất kinh doanh của các HTX đã khởi sắc “.

 

Từ việc thử nghiệm thành công ở HTX Hòa Thắng 2, mô hình nói trên được nhân rộng ra các HTX khác trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các HTX đều có câu lạc bộ khuyến nông, tổ sản xuất lúa giống, thường xuyên liên hệ, trao đổi sản phẩm với các viện khoa học cũng như các công ty trong lĩnh vực nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, nhiều HTX linh động tiếp nhận và ứng dụng các mô hình, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất – kinh doanh khá thành công. Ví dụ HTX Long Hà (huyện Đồng Xuân) triển khai công nghệ làm nấm rơm, các HTX ở huyện Đông Hòa áp dụng công nghệ sản xuất gạch EG5, nhiều HTX ở Sơn Hòa triển khai công nghệ chế biến tinh bột sắn, HTX Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc vườn cây công nghiệp tạo sản lượng thu hoạch đạt 10-30 tấn/năm…

 

VẪN CÒN TRỞ NGẠI

 

Thạc sĩ ĐÀM VĂN TRẮC, cán bộ Viện Bảo vệ thực vật: “Nhiệm vụ chuyển giao công nghệ gặp khó khăn không kém việc nghiên cứu công nghệ. Bởi nhà khoa học phải nghiên cứu và tìm ra phương thức chuyển giao hiệu quả nhằm đưa các sản phẩm khoa học nhanh chóng ra sản xuất. Do vậy để chuyển giao công nghệ có hiệu quả, ngoài các chuyên viên tư vấn kỹ thuật cần mời cả những người trực tiếp tạo ra công nghệ tham gia để họ nói chuyện với nông dân về ưu nhược điểm do công nghệ mang lại. Ngoài ra, để chuyển giao công nghệ hiệu quả, nhất thiết phải tạo được thị trường công nghệ. Hiện nay trung tâm liên kết rất tốt với các trạm, trại các địa phương để nghiên cứu khoa học với mục tiêu đem giống mới, công nghệ mới đến với nông dân một cách nhanh nhất nhằm giúp cho họ ổn định hơn nữa việc phát triển sản xuất”.

Dù vậy, hiện vẫn có không ít HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Huyện Phú Hòa, dù là một trong những địa phương đạt năng suất lúa cao của tỉnh với bình quân trên 83 tạ/ha/vụ, nhưng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán, thói quen, hầu hết xã viên thường sử dụng lượng giống 10kg/sào, trong khi khoa học khuyến cáo chỉ nên áp dụng lượng giống 6kg/sào. Do vậy, dù đảm bảo về sản lượng, nhưng chất lượng sản phẩm lại thấp, khó đưa ra thị trường.

 

Mặt khác, ông Hồ Quang Nam, Chủ nhiệm HTX Đông Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết: “Hiện vẫn còn tình trạng chuyển giao công nghệ theo kiểu “sống chết mặc bay”. Thông thường công nghệ mới giúp làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao và đòi hỏi cả phương thức lưu thông mới phù hợp. Nhưng nếu chỉ chú ý vào hiệu quả năng lực sản xuất mà để mặc HTX tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm thì sẽ đẩy họ đến nguy cơ phá sản, bởi sản phẩm làm ra không bán được, đầu tư lớn nhưng không có khả năng thu hồi vốn. Ngoài ra do trình độ nhận thức và chuyên môn của các cán bộ xã viên HTX vẫn còn hạn chế nên phải mất nhiều thời gian để tiếp cận và làm chủ công nghệ mới”.

 

Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau giữa các vùng, miền nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn trong xác định phương thức, thời gian và mô hình thích hợp để tiến hành.

 

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek