Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc tại Phú Yên vẫn rất phức tạp. Đặc biệt, từ đầu tháng 7, nhiều địa phương đã bị bùng phát dịch. Đến nay, Phú Yên đã có đến 82 /106 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố có dịch với tổng số 12.679 con bò và 636 con heo bị bệnh. Trong đó, có 582 con bò và 174 con heo bị chết. Hiện tại, địa phương còn dịch LMLM là huyện Sông Hinh với 370 con đang được điều trị/hơn 2.000 con gia súc mắc dịch bệnh.
Chưa hiểu về những ảnh hưởng của bệnh LMLM gia súc cũng là một nguyên nhân làm cho nông dân chủ quan trong việc phòng chống dịch – Ảnh: Ly Kha
Điều đáng nói ở chỗ, công tác phòng, chống dịch đã được các cấp, ngành thực hiện không thật sự quyết liệt và triệt để. Bằng chứng là sau thời điểm công bố dịch của tỉnh vào tháng 6-2006, vẫn có tới 18 ổ dịch bùng phát. Trong đó, ổ dịch cũ tái phát và ổ dịch mới bùng phát có tỷ lệ 8/10.
Thực tế, bệnh LMLM ở trâu bò đã xuất hiện tại Phú Yên từ năm 1995. Năm nào ngành thú y và Nông nghiệp cũng phải đối mặt với bệnh này, nhưng vẫn cứ xuất hiện rải rác khắp nơi trong tỉnh. Đó là vì các ngành đã không bao vây dập dịch triệt để khi phát hiện các bệnh chứng lâm sàng trên trâu, bò. Mỗi năm, tỉnh được Trung ương hỗ trợ một lượng vắc xin thì chỉ đủ tiêm rải “mành mành” khắp các nơi trong tỉnh. Riêng năm 2005, Phú Yên được hỗ trợ 100.000 liều vắc xin LMLM cũng được chia đều cho các huyện, thành phố. Tỷ lệ tiêm phòng cao nhất cũng chỉ đạt 60% tổng đàn, không đảm bảo hệ số an toàn cho gia súc hơn 200.000 con trâu bò. Công tác kiểm dịch, quản lý hoạt động mua bán, vận chuyển cũng không đạt hiệu quả. Tại thời điểm toàn tỉnh có 3 huyện phát dịch cùng lúc, tỉnh đã ra quyết định tạm thời cấm xuất, nhập các loại gia súc ra vào (ngày
Trong khi đó, hầu như tất cả gia súc trong tỉnh đều được chăn nuôi theo bầy đàn, thả rông. Đặc biệt đối với các hộ đồng bào dân tộc miền núi, hầu như không xây dựng chuồng trại cho trâu, bò. Trâu bò theo đàn ở lẫn nhau khắp nơi, buổi tối bò thường tràn ra đường nhựa để ngủ cho ấm. Do vậy, một khi có dịch bệnh, khả năng lây lan là rất cao.
Sự không quyết liệt của BCĐ phòng chống dịch và các cấp, các ngành còn thể hiện ở chỗ, đại diện cơ quan thú y và ngành nông nghiệp cho rằng, việc dịch LMLM khó khống chế như vậy là do ý thức của nông dân chưa đánh giá đúng mức về việc này. Hầu hết người dân khi yêu cầu tiêm phòng thì không thực hiện. Trong khi đó, đại diện của Hội nông dân tỉnh thì cho rằng lý lẽ trên là chủ quan, không thuyết phục. Vì hiện tại, việc mua bán gia súc của người dân đã và đang gặp nhiều khó khăn, trong khi mỗi gia súc trị giá hàng triệu thì tiền tiêm phòng sau khi được hỗ trợ cũng chỉ vài ngàn đồng thì không lý nào đại đa số lại không chấp thuận cho việc chăn nuôi và mua bán gia súc của họ được thuận lợi và an toàn hơn.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà, Trưởng BCĐ phòng chống dịch, thì một nguyên nhân khác làm người dân không cảm nhận rõ ràng trong việc tiêm phòng dịch đó là các ngành cứ đưa ra giá vắc xin đa tuýp là 18.000 đồng/liều trong khi tại Phú Yên chủ yếu đến nay vẫn chỉ có tuýp O và tuýp A với giá chỉ 6.000 đồng và 11.000 đồng/liều.
Đến nay, khi tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch từ Bộ NN&PTNT như: đóng dấu chín trên trâu bò có triệu chứng lâm sàng và yêu cầu nông dân cam kết sau hai năm mới được bán ra bên ngoài, trong thời hạn trên chỉ được tiêu thụ trong xã, càng gây khó khăn nhiều hơn cho nông dân mà nguồn sống chủ yếu của họ từ cây lúa và con bò. Nếu cấm bán bò trong vòng hai năm liệu có hợp lý cho nguồn thu nhập của họ khi cây lúa không thể đảm bảo được cuộc sống. Nếu chỉ bán trong xã thì, nói như ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục thú y Phú Yên, mổ con bò, đem tiêu thụ cả các chợ của huyện miền núi Sông Hinh cũng không hết trong ngày, chứ nói gì trong xã!q
LY KHA