Hiện nay ngành thủy sản Phú Yên đang thực hiện Chỉ thị 22/2006/CT-TTg ngày 30-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản xa bờ.
Theo đó, ngành thủy sản và các cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn, kiểm tra chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, đảm bảo các tàu đánh bắt hải sản luôn ở trạng thái an toàn, có đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu (phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc,…), mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, khai báo với chính quyền và đồn biên phòng nơi cư trú về hô hiệu và tần số liên lạc của tàu.
Tăng cường quản lý phương tiện khai thác hải sản trên biển để bảo đảm an toàn - Ảnh: N.Q |
Tàu thuyền khi ra, vào cảng, bến đậu phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo, phải thông báo cụ thể ngư trường đang hoạt động (vị trí, toạ độ) cho cơ quan quản lý thủy sản và thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển. Khi có tai nạn hoặc khi có bão, thuyền trưởng phải sử dụng các biện pháp cấp bách để đưa tàu cá của mình đến nơi an toàn; thông báo cho đài thông tin duyên hải, đồn biên phòng gần nhất vị trí tàu cá của mình, số người có trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu khi cần thiết, đồng thời có trách nhiệm tham gia ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn.
Ngành thủy sản hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất đánh bắt hải sản trên biển thành các tổ, đội, đặc biệt chú trọng đánh bắt xa bờ phải có các phương án tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão, sự cố xảy ra; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân và các chủ tàu hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ đối với việc trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Ngành thủy sản hướng dẫn các địa phương rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và thuyền viên. Trước mắt, đảm bảo tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ lắp máy có công suất 90 sức ngựa trở lên, phải lắp máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc hai chiều với đất liền; hướng dẫn xây dựng các tổ chức kinh tế tập thể có quy mô, hình thức phù hợp với loại nghề và tập quán của ngư dân; xây dựng mô hình sản xuất đi đôi với dịch vụ hậu cần trên biển, nhằm nâng cao hiệu quả của các tàu khai thác, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra.Ngành xúc tiến xây dựng và sớm đưa các khu neo đậu trú bão cho tàu cá vào khai thác, sử dụng, đảm bảo đúng mục tiêu, có hiệu quả, nhất là những vị trí ở vùng biển có tần suất bão cao, gần ngư trường lớn.
NGUYỄN VĂN DO