Thứ Tư, 27/11/2024 13:30 CH
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Thứ Bảy, 29/07/2006 08:53 SA

LTS : Việt Nam đang nỗ lực hết sức để được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm 2006 này. Mọi việc đang được tiến triển rất khả quan và theo nhận định của những chuyên gia kinh tế thế giới, khả năng Việt Nam trở thành thành viên mới của WTO là hiện thực. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tổ chức này, Phú Yên cuối tuần xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Lê Minh Phiếu, người gốc Phú Yên, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Montesquieu Pháp.

 

LỊCH SỬ RA ĐỜI

 

Sau hai lần thiết lập một tổ chức quốc tế về thương mại sau Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng không đạt được kết quả, những người chủ chốt của thương mại thế giới - các nước phương Tây - đã từ bỏ một cấu trúc tổ chức, và thay vào đó là họ lựa chọn một cấu trúc điều ước để điều chỉnh thương mại thế giới, đó là GATT (General Agreement on Tarrif and Trade – Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan). GATT là một Hiệp định được ký kết vào năm 1947 bởi 23 nước phương Tây nhằm giảm thuế quan cũng như những trở ngại khác đối với mậu dịch và xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực thương mại bằng quy chế tối huệ quốc.

 

060729-wto.jpg

Phái đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO tại phiên họp đa phương lần thứ 12 được tổ chức ở Geneve. Theo giới phân tích, có thể Việt Nam sẽ gia nhập WTO trong tháng 10 tới – Ảnh: VNN

 

Sau gần 50 năm hoạt động, ý tưởng về một định chế thật sự có thể kiểm soát thương mại quốc tế lại nổi lên khi diễn ra vòng đàm phán Uruguay. Qua vòng đàm phán này, với Hiệp định Marrakech ngày 15-4-1994, các nước tham gia đã đạt được việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO – World Trade Organization). Kể từ ngày 1-1-1995, ngày có hiệu lực của Hiệp định thành lập WTO, tổ chức này đã trở thành người điều hành tất cả các Hiệp định đã ký kết kể từ năm 1947, đặc biệt là GATT mà trong đó những nguyên tắc của nó không hề bị sửa đổi.

 

WTO hoạt động như một trung tâm điều phối của  các vấn đề liên quan đến thương mại thế giới. Hiệp định Marrakech đã định nghĩa WTO là một “khung định chế chung cho sự ứng xử trong quan hệ thương mại”.

 

CƠ CẤU CỦA WTO

 

Các “bên ký kết” của GATT 1947 tự động trở thành “thành viên” của WTO sau khi chấp nhận vòng đàm phán Uruguay và đưa ra hiện những cam kết liên quan đến thương mại hàng hóa và dịch vụ.

 

WTO bao gồm một Hội nghị Bộ trưởng, một cơ quan quyết định thật sự, có thẩm quyền giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến một Hiệp định thương mại đa biên. Các quyết định được thông qua theo đa số đơn giản hoặc xác  định ( ví dụ : 2/3 đối với việc gia nhập mới của một quốc gia).

 

Hội đồng GATT được thay thế bởi Tổng Hội đồng, về nguyên tắc, nhóm họp tất cả các tháng. Hai chức năng đặc biệt được trao cho cơ quan này: Nó là cơ quan giải quyết tranh chấp mới được thiết lập trong khuôn khổ WTO, và cũng là cơ quan kiểm tra các chính sách thương mại của các nước thành viên nhằm thiết lập sự minh bạch tốt hơn.

 

Ngoài ra, tương ứng với một lĩnh vực thuộc thẩm quyền của WTO, tồn tại một Hội đồng chuyên ngành như Hội đồng Thương mại Hàng hóa, Hội đồng Thương mại Dịch vụ hay Hội đồng Quyền sở hữu Trí tuệ. Các hội đồng này hoạt động dưới sự điều phối của Tổng Hội đồng và nó cho phép một sự chuyên sâu hơn.

 

Hội nghị Bộ trưởng cũng đã thiết lập các Ủy ban với các chức năng liên quan đến tài chính, hành chính, các nước kém phát triển…

 

Ban Thư ký của WTO được điều hành bởi Tổng giám đốc. Hiệp định Marrakech đã nhắc lại sự độc lập của Tổng Giám đốc và các nhân viên của Ban Thư ký và tính quốc tế hoàn toàn trong hoạt động của họ.

 

BA CHỨC NĂNG CỦA WTO

 

Thứ nhất, WTO đóng vai trò của một khung định chế chung, tức là một khuôn khổ có khuynh hướng toàn cầu liên quan đến hệ thống thương mại đa phương. Nó quản lý tất cả các Hiệp định được ký tại Marakech vào ngày 15 tháng 4 năm 1994.

 

Trong khuôn khổ của WTO, cần phân biệt hai loại Hiệp định, đó là hiệp định “đa phương” (multilateral) và nhiều bên (plurilateral). Hiệp định “đa phương” là Hiệp định mà bắt buộc tất cả các nước thành viên của WTO đều phải tham gia (như Hiệp định Thành lập WTO và các Phụ lục 1A, 1B, 1C, 2 và 3 của Hiệp định này như GATT (Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan, điều chỉnh về thương mại hàng hóa), GATS (Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ), TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại))... Ngược lại, Hiệp định nhiều bên là Hiệp đinh mà các thành viên của WTO có thể quyết định tham gia hay là không (ví dụ như Hiệp định thương mại về máy bay dân dụng, Hiệp định về thị trường công cộng, Hiệp định quốc tế về sữa, Hiệp định quốc tế về thịt bò…). WTO quản lý cả những Hiệp định đa phương và Hiệp định nhiều bên nói trên.

 

Chức năng thứ hai của WTO là nơi duy nhất diễn ra các cuộc đàm phán thương mại đa phương. Thật vậy, WTO được công nhận là nơi độc quyền cho các cuộc đàm phán đa phương diễn ra có liên quan đến các lĩnh vực được điều chỉnh bởi các Hiệp định WTO. Nói một cách rõ ràng hơn, đó là những đàm phán đa phương liên quan đến thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Ngoài ra, WTO cũng cấu thành một khuôn khổ thường trực cho các cuộc đàm phán liên quan đến những vấn đề cốt lõi của thương mại quốc tế. WTO cũng có thể phục vụ cho “các cuộc đàm phán đa phương khác” tùy theo quyết định của Hội nghị Bộ trưởng. Tất cả các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra trên cơ sở những nguyên tắc được quy định trong “GATT 1994”.

 

Chức năng thứ ba của WTO là chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thương mại. Nói một cách chung, WTO nhận nhiệm vụ bảo đảm việc thực thi, quản lý và hoạt động của hệ thống thương mại mới được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận. Các cơ quan lãnh đạo của WTO, Hội nghị Bộ trưởng và Tổng Hội đồng sẽ phải đưa ra tất cả các quyết định cần thiết nhằm mục đích này. Ví dụ như, WTO được quyền thực hiện việc giải thích những Hiệp định, được cho phép các thành viên có những khước từ những quy định của WTO trong những trường hợp đặc biệt, được tiến hành những sửa đổi các quy định, hay việc xem xét tính hợp pháp của những “hội nhập kinh tế” khu vực được thỏa thuận giữa các thành viên. Ngoài ra, chức năng thứ ba này của WTO còn thể hiện thông qua vai trò trong việc giải quyết tranh chấp thương mại và việc quản trị cơ chế xem xét chính sách thương mại. Đây là những vai trò vô cùng quan trọng của WTO trong nền thương mại thế giới.

 

LÊ MINH PHIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek