Người dân tự làm thang lê xuống, yếu tố gây thiếu thẩm mỹ cho công trình
Những sai phạm của đơn vị thi công công trình kè Bạch Đằng trong thời gian qua đã và đang được các ngành chức năng làm rõ. Những thiếu sót trong quá trình thi công công trình này có cả vấn đề khảo sát, thiết kế. Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo ngành Xây dựng thực hiện kế hoạch kêu gọi các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan có tâm huyết hiến kế khắc phục.
Sở Xây dựng Phú Yên đã đề xuất phương án kêu gọi những nhà chuyên môn, kiến trúc sư, kỹ sư tâm huyết với nghề, với công trình và với Tuy Hòa đang làm việc tại Phú Yên đề xuất những phương án hiệu chỉnh, tiếp tục thi công công trình này. Tiêu chí đầu tiên là dựa trên hiện trạng và sử dụng những biện pháp nhằm sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm.
Nhìn vào hiện trạng của công trình này, có thể thấy ngay rằng công trình được thiết kế không thân thiện với tự nhiên. Cao trình vượt lên mặt nước sông 4 - 5 mét, vượt lên trên mực nước lũ năm 2003, ngang bằng với cao độ của đế trụ cột ngã năm hiện nay với mục đích ngăn lũ. Tuy nhiên, cao trình này không được phân cấp, nếu đứng trên bờ kè có cảm giác đứng trước một cái vực chứ không phải là tuyến bờ sông – một dải cảnh quan, bộ mặt cho TP Tuy Hòa. Thứ hai, trong suốt chiều dài mấy kilomet không có những bậc thang lên xuống cho ngư dân. Do vậy, người dân đi thuyền phải tự cột dây leo hoặc làm những thang gỗ thiếu thẩm mỹ.
Trong thời gian qua, nhiều nhà chuyên môn và nhóm chuyên gia đã có những ý kiến đề xuất, mà điểm chung là tập trung vào hai giải pháp chủ yếu mang tính khả thi cao. Giải pháp thứ nhất tăng cường khả năng chịu lực của hệ thống kè đã được xây dựng hiện nay. Nếu sử dụng giải pháp này, cần phải tăng cường đóng thêm nhiều cọc kè, giằng neo, giầm neo... nhằm cho hệ thống đủ khả năng chịu được lực đẩy ngang của kè và con đường sau này. Giải pháp thứ hai được nhiều nhà chuyên môn của ngành Xây dựng tỉnh cho là mang tính khả thi cao hơn cũng như yếu tố thẩm mỹ được nâng lên là giải pháp giảm tải trọng cho hệ thống kè. Bằng cách hạ thấp cao trình của bờ kè tiếp xúc trực tiếp với mặt nước sông hiện nay xuống thấp khoảng 1,5 - 2,5 mét để đổ khối bêtông giật cấp sâu 2 - 3 mét, sau đó là nâng cấp cao trình lên ngang bằng cao trình hiện nay. Với phương án này, lề đường của công trình còn lại từ 8 – 9 mét, vẫn đủ khoảng không gian để thực hiện ý tưởng công viên chạy dọc bờ sông. Với giải pháp này, sự thân thiện với môi trường và tự nhiên được thể hiện rõ. Vào thời điểm những ghe thuyền thường ra khơi, cấp thấp của cao trình sẽ ngang bằng với mũi thuyền. Việc lên xuống thuyền của ngư dân sẽ dễ dàng hơn nhờ những bậc tam cấp. Đồng thời, dọc theo cao trình này, hàng loạt cọc neo tàu thuyền sẽ được xây dựng. Với biện pháp này, tải trọng đẩy ngang mà kè phải chịu đã giảm thiểu rất lớn và hợp lý hơn. Khoảng cách từ cao trình lề đường xuống tới mặt sông đã được phân cấp, tạo cảm giác thấp hơn hiện nay nên con người sẽ thân thiện hơn với sông. Nếu có lũ, mực nước lũ lên cao hơn cao trình cọc neo thuyền cũng không xảy ra vấn đề gì. Hơn nữa, với biện pháp này, không gian ven sông đã được tạo sự khác biệt.
KTS Hoàng Xuân Thưởng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên, cho rằng giải pháp thứ hai đang được chú ý. Tuy nhiên, các giải pháp đề xuất đều sẽ được tập hợp để trình UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định. Nhưng trước mắt, cần có cuộc khảo sát lại toàn tuyến và thi công chỉnh sửa những vị trí đã bị đổ, chuyển vị.
LY KHA