Thứ Hai, 30/09/2024 22:35 CH
Nuôi trồng thủy sản ở Sông Cầu:
Phát triển nhanh, nhưng chưa bền vững
Thứ Năm, 27/07/2006 07:34 SA

Thiên nhiên ưu đãi Sông Cầu với nhiều đầm, vịnh, nhất là vịnh Xuân Đài, Cù Mông với thủy vực rộng lớn, là điều kiện tốt để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Từ lâu, Sông Cầu đã phát triển nghề nuôi tôm sú xuất khẩu, với diện tích hơn 800 ha, tập trung ở các xã Xuân Hải, Xuân Phương, Xuân Lộc, Xuân Cảnh, thị trấn Sông Cầu… Sản lượng tôm hàng năm tăng cao, góp phần tăng thu nhập cho dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay nghề này phát triển một cách tự phát, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và dịch bệnh liên tục xảy ra, người nuôi bị thiệt hại lớn. Ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng kinh tế huyện Sông Cầu cho biết: môi trường một số vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài đứng trước thách thức ô nhiễm ngày càng gay gắt, đến nỗi tôm thả nuôi trong thời gian ngắn là chết sạch. Những năm trước đã có hơn 80% diện tích bị dịch bệnh. Trong vụ nuôi năm 2006 môi trường dần được cải thiện, trừ một số hộ nuôi bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 1, đa số hộ nuôi tôm sú vụ này có hiệu quả, thu lãi từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

 

060727-tom-hum.jpg

Nhiều hộ ở xã Xuân Phương (Sông Cầu) có thu nhập cao từ nuôi tôm hùm - Ảnh: Q.Đ

Trong khi nghề nuôi tôm sú còn nhiều bấp bênh, thì phong trào nuôi thủy sản bằng lồng bè, nhất là nuôi tôm hùm ở đầm, vịnh ven biển Sông Cầu ngày càng phát triển mạnh và đạt hiệu quả. Toàn huyện có trên 4000 lồng tôm hùm ương giống, 12.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 700 tấn/mỗi năm. Song nghề nuôi tôm hùm ở Sông Cầu vẫn thiếu quy hoạch, nên hiện nay môi trường cũng đang có chiều hướng bị ô nhiễm.

 

Phát triển nuôi đa dạng hóa các loài thủy sản có giá trị xuất khẩu, nhằm tăng thu nhập kinh tế là mục tiêu lớn của huyện Sông Cầu. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng vận động, khuyến khích các đơn vị, hộ ngư dân đầu tư phát triển thêm nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như ốc hương, cá mú, ghẹ lột, cá dìa, cá măng, rong cước, tôm thẻ chân trắng, vẹm xanh… với diện tích hàng trăm ha. Phòng kinh tế huyện Sông Cầu đang triển khai chương trình nuôi vẹm xanh, rong sụn ở Xuân Thịnh, Xuân Cảnh và thị trấn Sông Cầu, vừa tăng thu nhập cho ngư dân, vừa góp phần cải tạo được môi trường nước. Tuy nhiên, đến nay các đối tượng nuôi mới này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa, nên chưa đạt hiệu quả.

 

Chính vì những yếu tố trên, NTTS ở huyện Sông Cầu phát triển nhanh, nhưng nhiều đối tượng nuôi chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa quy hoạch chi tiết các tiểu vùng nuôi thủy sản, ngư dân tự phát đầu tư diện tích nuôi tại một số vùng đã quá mức cho phép, hạ tầng vùng nuôi kém, nhất là thủy lợi đã tác động xấu đến môi trường đầm, vịnh, khó kiểm soát dịch bệnh. Việc sử dụng mặt nước nuôi tôm do chính quyền các địa phương và nhân dân tự làm, do đó nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Theo ông Lương Công Tuấn, Phó phòng kinh tế huyện Sông Cầu, ngay từ bây giờ huyện cần thực hiện tốt chính sách ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển bền vững NTTS. Trước mắt, huyện đầu tư hoàn thành các hạng mục thuộc dự án Khu sản xuất giống thủy sản Xuân Hải để đưa vào hoạt động giai đoạn 1, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng 18 trại sản xuất giống sạch bệnh cung ứng cho dân. Các ngành chức năng huyện và đơn vị tư vấn tổ chức thực hiện nhanh việc thí điểm cắm mốc, giao đất mặt nước NTTS Phú Dương và Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh) tiếp tục hướng dẫn các xã Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Bình, Xuân Thọ 2 lập và thực hiện quy chế vùng nuôi tôm sú tập trung; đồng thời phối hợp với các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh xây dựng quy chế quản lý vùng nuôi tôm hùm tập trung để HĐND các xã thông qua và áp dụng. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục đầu tư phát triển chương trình đa dạng hóa các đối tượng NTTS một cách nhanh, mạnh và có hiệu quả. Hiện nay, Hiệp hội NTTS Đài Loan đã xây dựng được dự án Nuôi trồng, chế biến thủy sản thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, với vốn đầu tư 2,5 triệu USD (100% vốn nước ngoài). Dự án này nuôi các loại cá thủy sản, sản xuất giống thủy sản, thu mua, chế biến hải sản, tư vấn và đào tạo kỹ thuật NTTS cho ngư dân… Đây là cơ hội để người dân có điều kiện học tập, áp dụng nuôi đạt hiệu quả và bền vững.

 

NGUYÊN LƯU

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek