Từ khi thực hiện Quyết định số 548 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, thay thế xe công nông, xe cơ giới tự chế 3 - 4 bánh, đến nay trên các con đường quanh xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đâu đâu cũng thấy ngựa thồ.
Xuất hiện nhiều đàn ngựa chăn thả ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: H.NAM
Hai năm trở lại đây, phong trào trồng rừng kinh tế ở xã Xuân Lãnh phát triển mạnh, mỗi năm nhân dân trồng từ 50-100 ha rừng. Tuy nhiên, khu vực trồng rừng kinh tế có địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc, trước đây xe công nông tự chế chở cây giống lên đến tận nơi, nay bỏ loại xe này nhân dân thay thế bằng cách phát triển đàn ngựa để phục vụ việc trồng rừng. Ông Trịnh Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh cho biết, nhân dân ở đây nuôi ngựa chủ yếu thồ cây giống, chỉ có ngựa mới đưa cây giống lên đến tận nơi. Theo thống kê của UBND xã Xuân Lãnh, chỉ tính riêng 3 thôn Lãnh Trường, Lãnh Vân, Hà Rai có đến gần 100 con ngựa thồ.
Từ khi nổi lên phong trào nuôi ngựa thồ, các nghề truyền thống như làm yên ngựa, đan giỏ cần xé hoạt động trở lại. Ông Ba Này ở thôn Lãnh Trường bỏ nghề làm yên ngựa trên 10 năm nay, vừa qua mua được con ngựa ông mới có dịp ngồi đục đẽo trở lại. “Ngựa thồ mà không có yên thì không cách nào thồ được. Ngựa có đặc điểm là nếu không có yên thì nó không chịu thồ. Còn nếu buộc dây ràng qua lưng ngựa thì sức nặng sẽ cứa đứt da lưng ngựa” ông Ba Thành, một người dân ở đây, phân tích.
Ngoài làm yên ngựa, một số hộ dân nơi đây còn trở lại nghề đan giỏ cần xé để chứa hàng cho ngựa thồ. Ông Ba Này nói: “Đan giỏ cần xé khó nhất là khâu léo viền. Tuy nhiên lớp trẻ bây giờ khó ai biết vì lâu nay không có ai học hỏi về nghề này”. Từ khi cả làng nuôi ngựa thồ, nhiều người vót nan tre mang đến nhờ ông Ba Này truyền nghề.
Nuôi ngựa ở Lãnh Vân, Lãnh Trường còn “nổi tiếng” bởi nhiều người ở đây cưỡi ngựa đi làm thuê xứ khác. Gia đình ông Ba Thành, ở Lãnh Trường có đến 4 con ngựa, hơn một tuần nay bốn người con của ông “phi” ra huyện Vân Canh (Bình Định) chở thuê cây giống. Ông Thành cho hay, trung bình một con ngựa thồ từ 120 – 150 kg tùy xa gần, mỗi chuyến thồ họ trả 100.000 đồng. Bình quân mỗi ngày thồ từ 2 – 3 chuyến. Không chỉ gia đình ông Ba Này, Ba Thành mà nhiều người ở đây được chủ rừng từ các nơi như Kỳ Lộ (Xuân Quang 1), Kỳ Đu (Xuân Quang 2) đến “rước” ngựa đi thồ cây giống trồng rừng kinh tế.
LÊ TRÂM