Là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, trong những năm qua xã Sông Hinh được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề thiếu đất sản xuất đang “làm khó” bà con nơi đây.
Xã Sông Hinh đang phát triển trồng cây ca cao ở các thôn Yên Sơn, 2A, 2B... - Ảnh: A.NGỌC
Sông Hinh là xã miền núi đặc biệt khó khăn được Chính phủ đầu tư chương trình 134, chương trình 135, cùng với các chương trình khác nên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đạt được một số kết quả khả quan. Riêng vấn đề đất sản xuất và nước sinh hoạt ở đây đang còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với nước sinh hoạt, đã có công trình cấp nước tự chảy của chương trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên công trình này vẫn chưa đảm bảo phục vụ tốt bởi chất lượng công trình chưa đạt, thường xuyên xảy ra sự cố thiếu ổn định trong việc cấp nước cho nhân dân. Công trình nước tự chảy thì lại chảy theo thời tiết (công trình này phụ thuộc vào nguồn nước suối), còn công trình nước từ giếng đào thì không mang lại hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn xã Sông Hinh có hơn 50 giếng đào kiên cố, nhưng đa số không có nước và bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Đối với đất sản xuất, sau khi thực hiện tái định cư để xây dựng công trình Thủy điện Sông Hinh, khó khăn lớn nhất của bà con là đất sản xuất. Vì đất sản xuất lâu nay đã chìm ngập trong lòng hồ, trong khi quỹ đất để khai hoang không còn, điều kiện để cải tạo thành ruộng lúa nước hai vụ rất khó khăn. Thiếu đất sản xuất hiện nay ở xã Sông Hinh chủ yếu ở bốn thôn đồng bào dân tộc thiểu số (bốn thôn tái định cư) gồm thôn 3, 2A, 2B và Suối Dứa. Bốn thôn này có khoảng 300 hộ dân, bình quân đất sản xuất mỗi hộ từ 0,2 – 1ha đất rẫy, trong đó có nhiều hộ không có đất sản xuất (gia đình trẻ mới tách hộ). Nếu tính theo định mức của Chính phủ thì đất sản xuất đối với bà con ở xã Sông Hinh là không thiếu, nhưng mức quy định này là quá thấp, hơn nữa đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu bằng nghề nông, nếu chỉ canh tác trên diện tích như vậy thì chỉ đủ ăn, chưa nói đến khi gặp thiên tai thì tình trạng đói giáp hạt sẽ không tránh khỏi. Ông Ma Dương ở thôn 2A, xã Sông Hinh, cho biết: “Khi mới tái định cư, bà con chúng tôi đã gặp phải vấn đề khó khăn đó là thiếu đất sản xuất. Nhưng từ đó đến nay, đất thì không đẻ nhưng người thì cứ tăng lên, nhiều gia đình trẻ mới tách hộ đều không có đất sản xuất”.
Ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết: “Xã Sông Hinh đã phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện rà soát, thống kê các hộ thiếu đất và không có đất sản xuất ở bốn thôn đồng bào dân tộc thiểu số gồm thôn 3, 2A, 2B và Suối Dứa và đã trình phương án đề nghị cấp trên cấp đất bổ sung. Thành lập nhiều đoàn về địa phương để kiểm tra thực địa tại các tiểu khu 312, 313, 314, V716, đồng thời tiến hành lập thủ tục xin chuyển đổi mục đích cho khoảng 195ha khu vực này để cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Nhưng đến nay, vấn đề đất sản xuất cho các hộ dân nơi đây vẫn chưa giải quyết được”.
ANH NGỌC