Thứ Ba, 01/10/2024 02:27 SA
Tiểu thủ công nghiệp giúp nông dân cải thiện thu nhập
Thứ Ba, 25/07/2006 07:24 SA

Hiện nay tại các xã nghèo (ngoài Chương trình 135 của Chính phủ) của Phú Yên nguồn thu nhập chính của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Sau thời vụ sản xuất, thời gian nông nhàn chiếm rất lớn (khoảng 75- 80% quỹ thời gian trong năm) nhưng người dân lại không có nghề phụ để tạo thêm thu nhập. Chính vì thế, đào tạo cho bà con sản xuất TTCN để tăng thu nhập, nâng cao đời sống là hướng làm cần thiết.

 

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo được phân bổ hàng năm, Sở Công nghiệp Phú Yên đã chọn lựa và cho triển khai đào tạo nghề TTCN ở những xã nghèo Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa); Sơn Giang, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh); Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân); An Thạch, An Phú Tuy An). Hầu hết những xã này có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng thường đạt thấp. Với mục tiêu đưa TTCN đến các xã nghèo nhằm giúp người dân được tham gia sản xuất, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống và thoát nghèo cho từng hộ rồi tiến đến thoát khỏi xã nghèo, dự án (DA) chủ yếu đào tạo  nghề đan mây tre lá xuất khẩu, còn những xã ở vùng biển thì tạo điều kiện cho nghề chế biến hải sản khô tẩm sấy phát triển gắn với tiềm năng sẵn có của địa phương.

 

060725-thu-cong.jpg
Tiểu thủ công nghiệp giúp nông dân tăng thêm thu nhập khi nông nhàn - Ảnh: DTX

 

Riêng nghề mây tre lá được HTX SXKD mây tre lá  xuất khẩu Tân Hòa Bình (HTX Tân Hòa Bình) phối hợp đào tạo nghề thành thạo bằng cách cầm tay chỉ việc cho lao động. DA còn hỗ trợ thiết bị cho mỗi nhóm hộ 1 máy bắn đinh bằng hơi và 1 bình nén hơi. Thu nhập bình quân ước tính từ sản xuất TTCN của mỗi lao động tham gia DA đạt 250.000- 300.000 đồng/ tháng. HTX Tân Hòa Bình là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm cung cấp vật tư nguyên liệu cho các hộ, tổ chức quản lý, điều hành sản xuất ở các nhóm hộ và chịu trách nhiệm tiếp nhận, tiêu thụ hết số lượng sản phẩm do các hộ sản xuất ra. Trên cơ sở đó, HTX cũng xem các hộ như là những vệ tinh ổn định, lâu dài gắn liền với quá trình hoạt động SXKD và phát triển của HTX sau này.

 

Riêng với nghề hải sản khô tẩm sấy, DA đã xây dựng mô hình sản xuất mực sấy tẩm gia vị tại xã An Phú. Đây là nghề mới du nhập và bước đầu đào tạo được 22 lao động tại xã. Mặc dù nguyên liệu cho nghề này phụ thuộc vào mùa vụ, nhưng sản phẩm mực khô tẩm gia vị mang nhãn hiệu Đông An Phú đã xuất hiện trên thị trường Phú Yên vào dịp Tết nguyên đán Bính Tuất.

 

Một ưu điểm của mô hình sản xuất TTCN là giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia DA. Người sản xuất không phải lo lắng về vấn đề này mà chỉ tập trung vào việc tăng nhanh năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng thời gian quy định để tạo thu nhập cao cho gia đình. Cụ thể là mức thu  nhập thấp nhất của mỗi hộ có 1 lao động tham gia SXTTCN trong thời gian 10 tháng/năm là 250.000 đồng/người/ tháng. Thực tế, mỗi hộ đã tham gia bình quân 2 lao động với mức thu nhập cao hơn 250.000 đồng/người/tháng. Nếu thu nhập của lao động chủ yếu từ nông nghiệp và được quy ra thóc thì thu nhập tối đa/năm của 1 lao động chỉ là 1,2 triệu đồng, nhưng nếu tham gia SXTTCN thì thu nhập tối thiểu của 1 lao động/ năm là 2,5 triệu đồng. Sản xuất TTCN tại gia đình, người lao động vẫn có thể đảm bảo được công việc đồng áng, do đó thu nhập từ nông nghiệp vẫn không bị mất đi mà thu nhập được tăng thêm trong khi tham gia nghề  thủ công này hầu như không phải đầu tư chi phí sản xuất. Điều đó cho thấy nếu tạo thêm ngành nghề TTCN cho các xã nghèo thì sẽ cải thiện rõ rệt  thu nhập của người lao động ở khu vực thuần nông; nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn và giảm các tệ nạn xã hội. Đây cũng là DA phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển TTCN đến năm 2010 của tỉnh vì mục tiêu của DA là hình thành và phát triển nghề TTCN ở khu vực nông thôn gắn với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương. Việc hình thành và phát triển nghề TTCN không chỉ giúp cho người lao động có thêm thu  nhập mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực SXKDMTLXK có được nhiều sản phẩm, tham gia xuất khẩu, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của DN ngày một tăng cao.

 

BÍCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek