“Dưa đất lạ, mạ đất quen”.Thấy đất quê mình năm nay không phù hợp cho sự phát triển của dưa, những người trồng dưa ở Bình Nghi (Tây Sơn - Bình Định) tranh thủ đến thuê đất ở tỉnh khác. Mỗi năm họ chỉ có mặt ở nhà chừng hai tháng. Thời gian còn lại chia làm ba đợt cho ba vụ dưa trên các vùng đất khác nhau. Họ chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó để sản xuất loại dưa hấu ăn trái có tên rất ấn tượng: Hắc Mỹ Nhân. Bằng nghề này, họ kiếm được số tiền kha khá để phục vụ cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học.
Về thôn Trung Lương 2, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cánh đồng lúa hai vụ lẽ ra mùa này phải để trống đất, lại đang lên xanh bởi những đám dưa bạt ngàn. Người dân nơi đây bảo: “Bà con chúng tôi cho thuê đấy, mỗi sào đất (500m2) được trả 200.000 đồng. Cả thửa ruộng đang trồng dưa này có diện tích đất trên 12ha. Người Bình Định họ vô thuê, mình không ngần ngại vì vừa được tiền được làm công lúc rảnh rỗi”. Hỏi ra mới biết, những người đến thuê đất không phải họ thiếu đất sản xuất mà vì cây dưa chỉ thích hợp với chất đất được trồng cây theo kiểu luân canh.
Dưa được người Bình Định trồng trên đất thuê tại An Nghiệp - Ảnh: THU THỦY
15 chiếc chòi được che chắn tạm bợ là nơi ăn ở và sinh hoạt của những người phương xa. Hành trang họ mang theo gồm chiếc xe máy, phân bón, thuốc men và các dụng cụ phục vụ sản xuất. Cuộc sống như vậy cũng quen với kiểu du canh. Mỗi chủ làm một chiếc chòi riêng để dễ theo dõi phần dưa của mình. Họ sống ngay chân ruộng bên những luống dưa. Một số người dắt con cháu đi theo làm phụ, còn lại chủ yếu họ thuê công tại địa phương. Điều họ quan tâm là làm sao dưa được mùa, bán được giá, kiếm lời khá chứ không phải ăn ở thế nào cho tốt. Ông Trương Ngọc Minh, người có thâm niên trong nghề nói: “Không còn lạ gì với công việc chuẩn bị cho mỗi chuyến đi. Khi chúng tôi hành trình đến vùng đất mới giống như đoàn hát bội (hát tuồng – hát bộ). Tất cả đều chất lên xe tải, kể cả mắm muối và gạo cho các bữa ăn hàng ngày . Hầu hết ở những nơi thuê đất, chúng tôi đều nhờ bà con, ngược lại có chúng tôi bà con cũng có thêm thu nhập. Tiền công làm đất, thăm dưa một tháng chúng tôi trả 900.000 đồng cho công nam và 750.000 đồng cho công nữ. Phần lớn nơi đâu cũng được bà con giúp đỡ”.
10 năm trước, ông Minh rước “thầy” tận Nha Trang về quê mình để học cách trồng dưa cho năng suất và chất lượng cao. Qua ông, tôi biết được một số kinh nghiệm như cần đầu tư cả phân chuồng, phân hoá học, dùng thuốc khử trùng diệt vi khuẩn cho khâu cải tạo đất. Ngoài ra, người trồng dưa phải biết dùng thuốc kích thích về lá, trừ nấm, bệnh sâu. Một kinh nghiệm nữa là không ham để có nhiều trái trên một cây mà chỉ cần 2-3 trái, giúp dưa tăng trưởng tốt.
Loại dưa Hắc Mỹ Nhân này có đặc điểm nặng trung bình 3,5kg/trái, vỏ xanh ruột đỏ và luôn đắt hàng. Dưa thu hoạch thường được các chủ vựa mua và xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc bán ở Hà Nội. Ông Minh cùng những người trồng dưa ở đây cho biết, họ đều có mối làm ăn lâu dài với lái buôn. Bà Võ Thị Lộc bảo: “Chúng tôi không giấu giếm bà con địa phương cách thức trồng dưa cho hiệu quả cao. Chỉ vì họ không tin, không dám mạo hiểm cùng hợp tác làm ăn. Tôi giúp họ có thêm thu nhập và cũng để khi khác họ giúp lại tôi đoạn thuê đất”. Để không lãng phí thời gian, khi vừa đến nơi này là họ liên hệ xong việc thuê đất nơi khác cho vụ sau.
Phần lớn họ trúng dưa khi thu hoạch. Song cũng có đợt thất thu bởi không gặp “mưa thuận gió hòa”. Theo ông Minh, giá dưa khoảng 2.000 đồng một ký, mỗi ha thu được 40 tấn, cá biệt có khi lên đến 50 tấn. Như vậy với 2 ha, thanh toán tất cả công cán, mỗi vụ (2,5 tháng) hai cha con ông thu được khoảng 30 triệu đồng. Những người làm một mình trên 1 ha đất thì thu được 12-15 triệu đồng. Nhiều bà con ở An Nghiệp sau khi nghe họ tính toán tỏ ra thích thú, nhưng chưa dám nghĩ đến việc mình sẽ làm như họ vì còn thiếu kinh nghiệm cũng như thiếu vốn.
Điều đặc biệt là phần lớn những người thuê đất trồng dưa đều chịu khó làm ăn để có điều kiện chăm lo gia đình. Hai đứa con ông Minh đang học đại học. Ông bảo, nhờ những đồng tiền lãi từ trồng dưa mà kinh phí lo cho con ăn học thong thả. Vài năm nữa, các con ông ra trường có việc làm ổn định thì ông thôi không đi nữa. Bà Lộc cũng vui trong bụng vì từ trồng dưa, nhà bà thoát khỏi cảnh khó khăn thiếu thốn, các con bà được học hành đến nơi đến chốn.
Rằm tháng 7 này là ngày họ thu hoạch dưa, sau lại hành trình lên Gia Lai tiếp tục nghề thuê đất trồng dưa quen thuộc dễ kiếm tiền.
DƯƠNGTHU