Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm - vay vốn tại các thôn, buôn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay là việc làm cấp thiết. Tổ phải là cầu nối để công khai hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Có thể nói, nhờ làm tốt công tác tổ chức mạng lưới tổ tiết kiệm – vay vốn ở cơ sở, thời gian qua hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm 25%. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng trăm tỉ đồng đã đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giảm tỉ lệ đói nghèo của tỉnh xuống còn 11% vào cuối 2009. Để có được kết quả này, chi nhánh đã đặt nhiệm vụ xây dựng, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm - vay vốn của các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác vốn lên hàng đầu. Ban đại diện Hội đồng quản trị của chi nhánh được thành lập ở 9 huyện, thành phố, thị xã và đã phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Năm 2009, chi nhánh tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, củng cố lại tổ tiết kiệm – vay vốn, từ gần 3.000 tổ xuống còn 2.381 tổ hoạt động tại Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Trong quá trình hoạt động các tổ chức đoàn thể và chi nhánh thường xuyên giữ mối liên hệ, đồng thời thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo, kiểm tra, giám sát, sơ kết quý, năm để rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng hoạt động thời gian tới.
Bên cạnh sự nỗ lực của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác vốn đã chủ động nâng cao năng lực quản lý cho các tổ tiết kiệm – vay vốn của hội mình; thực hiện tốt việc bình xét hộ vay, kiểm tra đối chiếu vốn vay, giám sát mục đích sử dụng vốn và thu hồi nợ gốc, lãi; xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng... Đến nay dư nợ của chín chương trình tín dụng ưu đãi do chi nhánh triển khai đạt 1.057 tỉ đồng, gần 98.000 lượt hộ vay, tăng 400% so với năm 2003. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa bên cho vay và bên vay vốn, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nguồn vốn vay đã đến đúng đối tượng, quản lý và giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng đồng vốn. Nhờ đó, mặc dù dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội chiếm tới 90% tổng dư nợ, nhưng nợ quá hạn ở các chương trình cho vay do các cấp hội đảm nhận chỉ chiếm tỉ lệ dưới 1%.
Thực tế triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trong thời gian qua đã khẳng định, ngoài nỗ lực của đội ngũ cán bộ tín dụng ngân hàng, ở đâu mạng lưới tổ tiết kiệm – vay vốn hoạt động mạnh và có sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì ở đó nguồn vốn giành cho người nghèo và các đối tượng chính sách sẽ phát huy hiệu quả và tính nhân văn của nó. Bởi vậy, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi trong thời gian tới, bên cạnh tranh thủ nguồn vốn phân bổ của Trung ương, việc xã hội hóa công tác ngân hàng, công khai kênh tín dụng chính sách là việc làm cấp thiết. Có như vậy người dân mới thực sự nhập cuộc trong suốt quá trình triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, để đồng vốn thực sự trở thành nguồn lực góp sức cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
NGUYỄN QUANG