Gần một tuần nay, người dân sinh sống quanh đầm Ô Loan, thuộc địa bàn các xã An Cư, An Hải, An Ninh Đông, An Hiệp (Tuy An) đứng ngồi không yên vì các loài thủy sản tự nhiên trong đầm chết hàng loạt. Cá chết nổi trắng đầm, tấp vào bờ bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và tôm, cá nuôi cũng chết theo.
Người dân xã An Cư (Tuy An) chôn cá chết. - Ảnh: N.CHUNG
CÁ TỰ NHIÊN CHẾT HÀNG LOẠT
Nhiều người dân sống ở khu vực đầm cho biết, trong vòng một tuần trở lại đây, nước trong đầm bỗng dưng chuyển sang màu xanh lá chuối non, có đỏ đục, lội xuống nước thì bị ngứa. Khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng, cá tự nhiên trong đầm nổi lờ đờ trên mặt nước rồi chết hàng loạt. Anh Lê Văn Tiến (một người chuyên đánh lưới trong đầm), ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, cho biết: “Gần một tuần qua, các loại thủy hải sản sống trong đầm không hiểu nguyên nhân gì mà chết quá nhiều. Tôi làm nghề lưới đã lâu nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh này. Mấy ngày nay không phải đi thả lưới bắt cá nữa mà chỉ lo vớt cá nổi trên mặt nước. Con nào còn sống thì bán, chết thì đem chôn”.
Đầm Ô Loan có diện tích tự nhiên hơn 1.570ha, trong đó có khoảng 300 ha nuôi các thủy sản như ghẹ lột, sò huyết, hàu, tôm, cá mú, cá hồng. Trước hiện tượng cá tự nhiên chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trắng mặt đầm, khiến nhiều người nuôi thủy sản trong đầm rất lo lắng, mà không biết làm cách nào ngăn chặn. Anh Nguyễn Xuân Hồng ở thôn Xuân Hòa, xã An Hải, lo ngại: “Vụ này tôi thả nuôi 3 lồng cá mú, với khoảng 600 con, mấy ngày nay cá có hiện tượng lở loét, lừ đừ rồi lần lượt chết. Riêng 3 ngày gần đây, có hơn 20 con bị chết, nhưng không dám kéo lồng lên kiểm tra, sợ động nước làm cá yếu và chết nhiều”. Không chỉ cá nuôi mà tôm nuôi cũng bắt đầu chết theo. Anh Nguyễn Thành Phép, thả nuôi khoảng hơn 7 sào tôm thẻ chân trắng, cho biết: “Cá chết trôi tấp vào bờ hồ tôm, sáng nào tôi cũng phải chèo xuồng vớt cá chết đem chôn vì sợ ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến hồ nuôi tôm. Nhưng cũng chỉ vớt một số lượng nào thôi vì quá nhiều, có ngày vớt hơn hai thúng. Hiện đã có một số hồ nuôi có tôm chết…”.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Theo các lão ngư có kinh nghiệm trong đánh bắt và nuôi thủy sản ở đầm Ô Loan, cá chết hàng loạt có thể là do thời tiết nắng nóng kéo dài, khi lại gió nồm làm nước dưới đáy nóng hơn, gây thiếu ô xy ở tầng đáy, buộc cá trồi lên mặt nước rồi chết. Thời gian gần đây, do mật độ nuôi trồng thủy sản trong đầm quá dày và chủ yếu là hồ hở nên lượng nước thải trực tiếp vào đầm. Mặt khác, nhiều hộ nuôi thủy sản ở đây không tuân thủ theo quy định khiến môi trường nước bị ô nhiễm. Hiện tượng xuất hiện nhiều loài tảo dày đặc, nhất là loài tảo lục đã cho thấy môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cửa biển An Hải ngày càng thu hẹp và còn có khả năng bị bồi lấp, dẫn đến sự trao đổi nước trong đầm và biển bị hạn chế. Nhiều bà con ở quanh đầm Ô Loan phát hiện có vỏ hạt điều trôi tấp vào bờ, nên họ nghi ngờ các cơ sở sản xuất chế biến hạt điều đóng trên địa bàn xã An Cư cũng có liên quan (?) Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó phòng NN- PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Hiện tượng cá ở đầm Ô Loan chết đã xuất hiện từ ngày 22/5, chúng tôi đã báo cáo lên các cơ quan chức năng về phối hợp để tìm ra nguyên nhân. Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy An cử lực lượng và phối hợp với những cơ quan chuyên môn giúp đỡ người dân nuôi thủy sản trong khu vực đầm những cách phòng bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân…”.
A.NGỌC – N.PHƯƠNG