Mấy tuần qua, Ban quản lý (BQL) chợ Tuy Hòa tiến hành sắp xếp lại một số ngành hàng, mở rộng đường đi lối lại theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa. Một số tiểu thương ở lều B và C không đồng tình với cách làm của BQL khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Tiểu thương khu lều (chợ Tuy Hòa) bức xúc khi một sạp chưa được di dời, chắn ngang cổng lều – Ảnh: X.HUY
TIỂU THƯƠNG PHẢN ỨNG
Theo ý kiến của các tiểu thương, chợ Tuy Hòa đang có nhiều bất cập, thiếu hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước sạch, phòng cháy chữa cháy… Vào mùa nắng thì vô cùng nóng bức; chỉ một trận mưa nhỏ cũng đủ gây ra tình trạng ngập. Đã thế mặt bằng các sạp lại cao thấp khác nhau, chênh nhau từ 0,5m- 0,8m; đường đi lối lại trong các khu lều đều chật hẹp và thiếu sáng. Khoảng không phía trên các sạp giăng chằng chịt các loại dây điện, dây cột bạt che mưa nắng. Chính vì những lý do trên, UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo BQL chợ sắp xếp, cải tạo lại chợ. Đây là một quyết định đúng đắn, hợp lòng tất cả tiểu thương.
Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, tiểu thương ở hai khu lều B và C (khu vực phía trong chợ Tuy Hòa) liên tiếp gửi đơn đến BQL chợ Tuy Hòa cũng như các các cơ quan chức năng, khiếu nại việc sắp xếp trên ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương ở khu lều C, cho biết: “Hai tuần trước, khi nghe tin BQL chợ tiến hành mở rộng đường đi lối lại, sắp xếp lại các ngành hàng, tiểu thương rất phấn khởi và ủng hộ, ai cũng nghĩ rằng rồi đây mình sẽ có nơi buôn bán đàng hoàng hơn trước. Vì vậy, các tiểu thương sẵn sàng đóng cửa sạp để BQL tiến hành sắp xếp. Tuy nhiên sau đó, ai nấy đều bất ngờ trước việc sắp xếp và bố trí các ngành hàng không phù hợp, thậm chí có sạp hàng mới dựng che khuất cả con đường”. Ngoài ra, tiểu thương còn cho rằng BQL đã làm một số việc không hợp lý trong bốc thăm và phân chia lại các sạp như: không cho một số tiểu thương tham gia bốc thăm, tự ý chỉ định và cho phép một số hộ kinh doanh dựng sạp để buôn bán trái với quy định từng ngành hàng dẫn đến việc khu vực dành riêng cho ngành hàng trứng lại xuất hiện một hoặc hai sạp bán hàng nấm và ngược lại.
Theo anh Nguyễn Hoàng Anh, một tiểu thương ở khu lều B, sau khi tiến hành sắp xếp lại, khá đông tiểu thương ở khu lều B và C không buôn bán được do ánh sáng vào sạp hạn chế, sạp nào sạp nấy tối như ban đêm. Việc này làm cho khá nhiều sạp bị mất khách, dẫn đến thất thu vài trăm nghìn đồng một ngày. Theo ý kiến của các tiểu thương, để có ánh sáng, nhiều hộ kinh doanh phải thắp cả đèn dầu giữa ban ngày, thậm chí “câu” điện từ các hộ dân xung quanh vào tận sạp, nguy cơ cháy nổ rất cao. Còn về việc mở rộng đường đi, khá nhiều tiểu thương hoang mang không hiểu BQL sắp xếp kiểu gì mà trước đây, trong sơ đồ, con đường nào cũng rộng từ 3,5 - 4m, thậm chí đến 7m, nhưng thực tế, hầu hết các con đường trong chợ chỉ rộng từ 2m - 3m, đường đi lối lại trong chợ rất khó khăn (khi các tiểu thương ý kiến, việc sắp xếp đã được tiến hành hơn một nửa thời gian dự kiến).
CẦN GIẢI QUYẾT SỚM NHỮNG BẤT ĐỒNG
Phóng viên Báo Phú Yên đã trao đổi những vấn đề trên với ông Nguyễn Chí Xanh, Phó BQL chợ Tuy Hòa. Ông Xanh cho biết: Ngày 7/12/2009, UBND TP Tuy Hòa ra Quyết định số 977 chỉ đạo BQL chợ giải quyết những tồn tại ở chợ Tuy Hòa, tập trung chủ yếu vào việc sắp xếp một số ngành hàng và giải tỏa một số vị trí để xây dựng hai cầu thang thoát hiểm. Ngoài ra, theo yêu cầu của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn TP Tuy Hòa, BQL chợ phải tiến hành mở rộng các con đường để đảm bảo xe chữa cháy có thể ra vào dễ dàng một khi xảy ra cháy nổ.
Khi triển khai thực hiện, BQL chợ Tuy Hòa đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa tiến hành đo đạc, vẽ sơ đồ sắp xếp, cải tạo lại chợ Tuy Hòa (có sự thống nhất giữa các bên) và trình lên UBND TP Tuy Hòa xem xét. Sau khi xem xong, UBND TP Tuy Hòa đã gửi trả lại và yêu cầu BQL chợ phải họp bàn cho thật kỹ để đi đến thống nhất với các tiểu thương. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa, BQL chợ đã thành lập tổ sắp xếp, mời tổ trưởng, tổ phó và đại diện tất cả các ngành hàng đến để bàn bạc. Sau khi tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp của tiểu thương, BQL đã cho chỉnh sửa lại sơ đồ theo ý kiến của các tiểu thương và mời các tiểu thương đến họp lần hai để hai bên cùng đi đến thống nhất ý kiến. Do cả hai lần họp đều không thấy có ai phản đối nên BQL trình lại phương án (đã sửa đổi) lên UBND TP Tuy Hòa xem xét và được cấp trên cho phép tiến hành sắp xếp, cải tạo lại chợ Tuy Hòa.
Về việc tiểu thương cho rằng BQL tự ý loại một số ngành hàng không cho bốc thăm, tự ý chỉ định một số ngành hàng không có trong danh sách sắp xếp, ông Xanh cho biết: BQL chợ phải loại các hộ này bởi trước đây, các hộ này tự ý dựng sạp để buôn bán nhưng không chịu đóng bất kỳ loại phí nào theo quy định. Việc BQL quyết định không cho các hộ này tham gia bốc thăm và giao lại phần sạp của họ cho các hộ khác tâm huyết với việc kinh doanh, tham gia đóng thuế đầy đủ là không có gì là sai.
Riêng về việc BQL mở rộng con đường, ông Xanh trả lời như sau: “Thực tế trước đây, đường đi lối lại rất hẹp, chỉ từ 2m - 3m, thậm chí nhiều khu lều không có đường để đi. Kể từ khi BQL chợ tiến hành mở rộng đường, hầu hết các con đường trong chợ đều rộng từ 3,5 m - 5 m. Và tôi cũng xin cam kết về điều này, một khi việc cải tạo, sắp xếp lại chợ được tiến hành xong. Những ý kiến trên của một số tiểu thương là không đúng, đó chỉ là bức xúc khi diện tích sạp của họ bị thu hẹp bởi phải nhường “đất” cho việc làm đường”.
Việc sắp xếp ngành hàng và mở rộng con đường là để các tiểu thương buôn bán thuận lợi, công tác phòng cháy chữa cháy được dễ dàng. BQL chợ Tuy Hòa và các tiểu thương nên ngồi lại với nhau, giải quyết những bất đồng để việc sắp xếp lại chợ Tuy Hòa diễn ra tốt đẹp, góp phần tạo điều kiện cho các tiểu thương yên tâm buôn bán.
XUÂN HUY