Mô hình nuôi rắn rivoi được triển khai tại xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa. Đây là mô hình thí điểm được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp khoa học, nhằm góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Trần Văn Lý đang kiểm tra sự phát triển của một con rắn - Ảnh: N.NHƯ |
Mô hình nuôi rắn rivoi được triển khai thí điểm tại hộ ông Trần Văn Lý ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa). Rắn được nuôi trong ao, với diện tích khoảng 60m2. Mặt ao thả bèo, rau muống…, diện tích thả chiếm khoảng 4/5 diện tích mặt ao. Xung quanh ao, ông Lý dùng tôn ximăng khép khít vào nhau bao vòng quanh bờ ao. Tôn ximăng được cắm sâu dưới đáy ao, phía trên còn lại cách mặt nước khoảng 1m để rắn không ra được bên ngoài. Ông Lý cho biết, nuôi rắn rivoi không để bờ đất nhiều quá trong ao, vì rắn sẽ vào trú trong hang, không ra ăn, dẫn đến chậm lớn. Rắn rivoi thích ăn động vật tươi sống như nòng nọc, ếch nhái, lươn con, cá trê con, các loại cá không vảy hoặc vảy nhỏ. Tùy theo khả năng tăng trọng của rắn mà tăng hoặc giảm khẩu phần. Cần chuẩn bị nguồn thức ăn sẵn trong ao, có thể nuôi thêm lươn, cá sặc, cá trê, nhái… trong ao, vừa tận dụng thức ăn thừa, bớt ô nhiễm, vừa làm thức ăn tại chỗ cho rắn. Khi rắn nuôi được 6 tháng đến 1 tuổi, có thể thu hoạch. Khi thu hoạch, rắn cái để lại, tiếp tục gây giống. Gia đình ông Lý nuôi rắn rivoi đã hơn 6 tháng. Theo ông, hiện nay trên thị trường, rắn rivoi thịt có giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg.
Khoảng 1 – 2 tuần, thay nước một lần. Rắn sắp lột da cần bổ sung lá chuối khô để sau khi ăn xong rắn vào trú. Rắn biếng ăn, cần thay đổi thức ăn và bổ sung kích thích tăng trưởng để kích thích rắn ăn. Rắn có thể bị xây xát hoặc lở miệng do vi khuẩn tấn công. Dùng Streptomycine pha với nước cất bôi vào vết thương cho rắn, xử lý nước bằng muối. Rắn bị sình bụng, bỏ ăn, dùng Sulfa Guanidin tán vào nồi để khô rồi cho rắn ăn. Rắn bị nấm miệng dùng Mycostatine theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Ông Lê Đình Khoa, Phó phòng phụ trách Phòng Công Thương huyện Phú Hòa, cho biết: “Mô hình nuôi rắn rivoi được triển khai thí điểm tại hộ ông Trần Văn Lý từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp khoa học. Thời gian thực hiện trong khoảng một năm (11/2009 – 11/2010), với tổng số vốn đầu tư hơn 103 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ 54 triệu đồng, còn lại là người nuôi đầu tư. Đây là mô hình thí điểm nhằm tìm ra quy trình cụ thể về chăn nuôi rắn rivoi tại địa phương, nếu mô hình đem lại hiệu quả cao thì nhân rộng ra các hộ gia đình có nhu cầu nuôi rắn rivoi để phát triển kinh tế hộ gia đình”.
NGỌC NHƯ