Thứ Hai, 07/10/2024 13:25 CH
Du lịch Sơn La - tiềm năng phát triển
Thứ Ba, 18/05/2010 09:00 SA

Sơn La là vùng đất sinh sống của 12 dân tộc anh em. Các dân tộc hiện đang lưu giữ tại cộng đồng những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của vùng Tây Bắc, đã và đang tạo nên sự khác biệt của sản phẩm du lịch Sơn La - Tây Bắc và trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

 

SL210018.jpg

Du khách tham quan di tích Nhà ngục Sơn La   – Ảnh: H.CHƯƠNG

 

ĐA DẠNG LỄ HỘI CÁC DÂN TỘC

 

Hiện nay, hầu hết các làng bản dân tộc ở Sơn La còn lưu giữ được các giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Nhiều làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo như: bản Phụ Mẫu 1, Phụ Mẫu 2, Nà Bai, xã Chiềng Yên (Mộc Châu); Han 2, Han 4 và Han 5, xã Mường Do (Phù Yên); Bản Lướt, xã Ngọc Chiến (Mường La); các bản Ka, Đúc, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai); văn hóa dân tộc Mông gắn với hang vợ chồng A Phủ, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) và các bản quanh thành phố.

 

Các dân tộc thiểu số ở Sơn La có nhiều lễ hội và các trò chơi dân gian như Hội ném còn, Cầu mùa, Xíp xí, Xên mường, Xên bản, Xen Pang Ả... gắn với mùa vụ trong năm. Các lễ hội này mang đậm bản sắc văn hóa gắn với lao động sản xuất.

 

 

Ở Mộc Châu có lễ hội hoa ban dân tộc Thái, được tổ chức vào mùa hoa ban nở dịp tháng 3, gần trùng với lễ hội cầu mưa (lễ hội Lồng Tồng) của xã Chiềng Hặc (Yên Châu); lễ hội đua thuyền truyền thống của dân tộc Thái trắng và dân tộc Mường ở huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên. Người Mông ở Mộc Châu có lễ hội Nào Sồng với nhiều trò chơi dân gian. Các sản phẩm thủ công truyền thống với nhiều nét tinh xảo và bộ trang phục rực rỡ của phụ nữ Mông được làm thủ công. Người Kháng ở Quỳnh Nhai có lễ hội Xên Pang Ả, đây thực sự là ngày hội lớn, có ý nghĩa, là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và thiên nhiên đã giúp đỡ cho họ sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Người Xinh Mun ở Yên Châu có lễ hội Mương A Ma, một hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng. 

 

Đến Sơn La, vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, du khách còn được tham gia ngày hội vui Tết Độc lập của đồng bào Mông tại nhiều địa phương trong tỉnh, trung tâm là huyện Mộc Châu. Tết Độc lập 2/9 không chỉ thu hút đồng bào Mông ở Sơn La mà còn là điểm đến của đồng bào Mông từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa và đồng bào Mông ở tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào).

 

Các dân tộc ở Sơn La còn nổi tiếng với điệu múa xòe, múa nón của người Thái; múa khèn, múa ô của người Mông; người Dao có múa chuông, người Khơ Mú có múa Cống tốp, Au eo... Các sản phẩm thủ công truyền thống như khăn piêu, vải thổ cẩm, đệm bông gạo, các đồ vật bằng mây tre đan với các hoa văn độc đáo. Nhiều món ăn đặc sản như: rượu cần, rượu hoẵng, pa pỉnh tộp (cá nướng), mọ tu cáy (gà tần), thịt hun khói, cơm lam, bánh dầy... là những món ăn hấp dẫn đối với khách du lịch.

 

NHIỀU DANH THẮNG LỊCH SỬ GẮN VỚI DU LỊCH

 

Sơn La có 37 di tích lịch sử cách mạng, 36 di tích khảo cổ học, 14 di tích danh thắng, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đến nay, có 10 di tích được xếp hạng quốc gia, 29 di tích xếp hạng cấp tỉnh. 

 

Di tích Nhà tù Sơn La do người Pháp xây dựng năm 1908 trên đồi Khau Cả, là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Bên cạnh nhà tù là Bảo tàng tổng hợp tỉnh Sơn La, trưng bày nhiều hiện vật quý, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa của cộng đồng 12 dân tộc, bảo tàng được xếp hạng năm 1962. Đến Sơn La, du khách còn được thăm Văn bia Lê Thái Tông (tại thành phố); Đồn Mộc Lỵ (Mộc Châu); Kỳ đài Thuận Châu (nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La ngày 7/5/1959); tượng đài Thanh niên xung phong - Mai Sơn; cầu Tà Vài  với chiến công nữ dân quân Yên Châu bắn rơi máy bay Mỹ; di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ (Mộc Châu); danh thắng hang động Chi Đảy, xã Yên Sơn (Yên Châu); hang Dơi (Mộc Châu)...

 

Thị trường du lịch Sơn La ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, những cơ sở hiện có đang là tiền đề để nhân rộng và phát triển ngành công nghiệp không khói. Trung bình mỗi năm Sơn La đón trên 350.000 khách du lịch. Sơn La có điều kiện thuận lợi tổ chức các tour du lịch liên vùng: tuyến du lịch Tây Bắc đã được xác định trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, gồm các điểm nhấn là Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên Phủ - Sa Pa - Lào Cai và các tuyến du lịch liên quốc gia trong khu vực.

 

HÀ HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek