Máy tính xách tay (laptop) đã trở nên phổ biến vì những tính năng vượt trội so với máy cố định. Tuy nhiên, sử dụng laptop đôi khi cũng gặp nhiều trục trặc, hỏng hóc, trong khi đó phần lớn các cửa hàng sửa chữa máy tính ở Phú Yên chưa làm cho khách hàng yên tâm...
Sửa laptop cho khách ở HTX Thương mại và tin học Minh Phong - Ảnh: XUÂN HUY
Ở TP Tuy Hòa hiện có trên mười điểm chuyên đáp ứng nhu cầu sửa chữa laptop. Để tạo sự yên tâm cho khách hàng, hầu hết các điểm sửa chữa đều có bảng báo giá chi tiết các phí dịch vụ kèm theo thời hạn bảo hành. Cụ thể như việc bảo trì màn hình, bàn phím, thay vỏ, hàn vỏ, thay bản lề, giá đỡ màn hình laptop có giá từ 120.000-275.000 đồng (bảo hành từ 3 tháng đến 1 năm); thay màn hình cho máy bị rơi vỡ, có vết đen rạn màn hình; màn hình mới gương 14.2 và 15.5 (bảo hành 12 tháng) giá 1,7 – 2,1 triệu đồng; sửa bàn phím laptop trong tình trạng kẹt không gõ được, bị nước đổ vào có giá 100.000 – 120.000 đồng/lần; thay cáp và cao áp laptop bị tối đen, hình lờ mờ hoặc màn hình bị trắng xóa, chập chờn giá 210.000-410.000 đồng (bảo hành 6 tháng); thay chipset cho máy bị treo, có nguồn không lên hình, hoặc lên hình thì bị xước loang màu giá 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (bảo hành 3 tháng hoặc 1 năm); thay cổng sạc laptop, cổng USB bị gãy lỏng giá 100.000 – 130.000 đồng (bảo hành 1 năm)…
Tuy nhiên, trong thực tế có không ít khách hàng bị “hớ” nặng khi lựa chọn nơi sửa chữa kém uy tín dẫn đến việc “bệnh cũ không hết lại rước thêm bệnh mới”. Anh Phạm Phi Hùng, nhà ở đường Lương Tấn Thịnh, phường 7, TP Tuy Hòa cho biết: “Cách đây 3 tháng, laptop của tôi bi chai pin nên tôi đem đến một tiệm sửa chữa máy tính gần nhà để thay pin mới. Khi lắp pin xong, họ còn nói máy tôi đang gặp lỗi lớn trong phần mềm cài đặt nên muốn tôi để lại máy cho họ kiểm tra. Do đi công chuyện nên tôi giao luôn máy cho người sửa máy. Hôm sau, khi tôi đến tiệm, họ bảo là máy tôi gặp rất nhiều bệnh và gạ tôi thay thế một vài bộ phận hỏng hóc với giá gần 2,5 triệu đồng. Tôi không đồng ý nên lấy máy về, đem tới tiệm khác sửa. Lần này, người ta bảo tính năng máy không cao nên cũng khuyên tôi lắp thêm một vài bộ phận hỗ trợ với giá trên 700.000 đồng. Tôi không yên tâm nên đem máy đến một người quen rành về máy tính coi giúp và phát hiện cái laptop của tôi nhiều khả năng bị “luộc” một vài bộ phận”.
Thường hầu hết các chủ cửa hàng chuyên doanh máy tính, nhất là những cửa hàng lớn đều lấy chữ tín làm đầu. Tuy nhiên một số ít nhân viên của họ thường có xu hướng muốn lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cả tin của người khác để mưu lợi riêng. Do vậy, khi sửa chữa, họ thường “vẽ rắn thêm chân” để ăn hoa hồng sản phẩm. Trong một số trường hợp, nếu chủ chiếc máy không chịu thay thiết bị mới, họ còn cố tình phá cho hư bằng cách dùng dao lam rạch chân chip cầu một cách tinh vi và khó phát hiện.
Anh Nguyễn Minh Phong, Chủ nhiệm HTX Thương mại và Tin học Minh Phong cho biết: “Khi máy đưa đến chỗ tôi, tôi biết rõ là họ đã đưa đến rất nhiều chỗ khác nhau trước khi đến mình nên phần nhiều máy đã bị tháo tung ra rồi lắp ráp lại hết sức cẩu thả. Mọi thiết bị đều có số seri, nhưng đa phần ít ai ký trực tiếp lên board mạch mà chỉ ký một lần trên thân máy nên không thể nào biết được bộ phận nào là chính hãng, không bị “luộc”. Thực ra, các cửa hàng làm điều này chỉ để trấn an khách hàng là chính chứ rất ít có tác dụng bảo vệ khách hàng. Sau này khi trả hàng, người sửa cũng chỉ căn cứ trên chữ ký của khách để giao máy. Nhiều máy đem kiểm tra các tính năng đều thấy sự không đồng bộ giữa các bộ phận với nhau. Do vậy để hạn chế tình trạng này, khách hàng phải đưa máy đến nơi sửa chữa có uy tín. Ngoài ra, khách hàng nên nắm rõ tại chỗ bệnh của máy, mức độ sửa chữa, giá tiền cũng như ghi lại đầy đủ thông tin về tính năng của máy. Sau khi sửa xong, khách hàng nên nhờ người không phải trong cửa hàng thử lại để xác định rõ các bộ phận có bị thay thế hay không… Chỉ có như vậy khách hàng mới không bị thiệt thòi”.
XUÂN HUY