Thứ Năm, 10/10/2024 00:17 SA
Thị trường tiền tệ:
Chờ giảm lãi suất
Thứ Sáu, 09/04/2010 07:30 SA

Bị khống chế bởi trần lãi suất huy động không quá 10,5%/năm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã chuyển sang “đua” khuyến mãi để hút vốn về mình. Và hệ lụy không chỉ không huy động được vốn mà còn làm cho lãi suất trên thị trường bị đẩy lên cao, gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì vậy cả ngân hàng và khách hàng đều mong chờ giảm lãi suất.

 

sgtt100409.jpg

Khách hàng giao dịch tại Sacombank Phú Yên.- Ảnh: Q.THUẦN

 

ĐUA NHAU KHUYẾN MÃI

 

Thông tin mới nhất từ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có chỉ thị về việc tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trong năm 2010. Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ theo hướng chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Lãi suất phải điều tiết theo hướng giảm dần để tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại phải mở rộng tín dụng nhằm đảm bảo tổng phương tiện thanh toán tăng 20% và tín dụng tăng 25%.

Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đều áp dụng các hình thức khuyến mãi trong huy động vốn bằng đồng Việt Nam (VND) và ngoại tệ (chủ yếu USD), như tặng quà, tiền mặt, vàng…, ngoài mức lãi suất đụng “trần” 10,49%/năm. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) triển khai chương trình cảm ơn khách hàng bằng việc tặng điểm tích lũy cho khách hàng gởi tiết kiệm và có thể đổi quà tại siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa. Ngoài ra DongA Bank còn phát hành kỳ phiếu trị giá tối thiểu 1 triệu đồng/kỳ phiếu, được phép rút trước hạn và có tặng phẩm. Còn chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tại Phú Yên thì triển khai chương trình quà tặng tháng 4 tặng tiền mặt lên đến 6,5 triệu đồng cho những khách hàng gửi tiết kiệm. Chi nhánh Ngân hàng đầu tư – Phát triển phát hành kỳ phiếu siêu lãi suất… Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên thì cho biết, Vietinbank Phú Yên cũng chuẩn bị phát hành kỳ phiếu để tăng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu các thành phần kinh tế. Tuy nhiên tình hình không mấy khả quan do cùng lúc có nhiều ngân hàng cùng chạy đua huy động.

   

Với lãi suất huy động kích “trần” như hiện nay, cộng thêm giá trị khuyến mãi, lãi suất huy động thực tế đã vượt xa trần cho phép. Bà Huỳnh Kim Thoa, Giám đốc Vietcombank tại Phú Yên cho biết: “Thực tế lãi suất huy động đã lên trên 12,5%/năm, tuy nhiên nguồn vốn huy động được cũng rất khó. Hiện nguồn vốn huy động của Vietcombank Phú Yên chỉ đạt trên 40 tỉ đồng, trong khi dư nợ đã tăng lên 300 tỉ đồng”.

 

Ngoài áp dụng các hình thức khuyến mãi, một số ngân hàng còn áp dụng chiêu thức “lãi suất thỏa thuận” với nhóm khách hàng có số tiền gửi lớn, và tất nhiên không được công bố nên không ai biết lãi suất thực sẽ là bao nhiêu!. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, hiện tổng nguồn vốn huy động tại địa phương của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chỉ đạt trên 4.220 tỉ đồng, dù tăng 5% so với năm 2009 nhưng chỉ mới đáp ứng gần 60% nhu cầu vốn vay của các thành phần kinh tế.

 

NGƯỜI VAY “GÁNH” LÃI NẶNG

 

Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức khuyến mãi các ngân hàng đang áp dụng thực chất “lách luật” để chạy đua huy động vốn, làm méo mó quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động tối đa. Việc cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn không chỉ không tăng thêm nguồn vốn (do nguồn vốn nhàn rỗi trong khu vực dân cư và các thành phần kinh tế đã chuyển sang các kênh đầu tư khác), mà còn làm cho dòng vốn chạy lòng vòng giữa các ngân hàng, tạo kỳ vọng tăng lãi suất trong người gửi tiền, gây bất ổn trong cơ cấu nguồn vốn và xáo trộn thị trường.

 

Do chi phí vốn đầu vào tăng, khiến mặt bằng lãi suất đầu ra cũng bị đẩy lên cao. Cụ thể, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 07/2010 cho phép các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vốn cho vay trung, dài hạn, lãi suất cho vay tăng lên 15% đến 17%/năm. Và theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên, không chỉ chịu lãi suất cao, một số ngân hàng còn áp dụng hình thức ký quỹ 5%/tổng số vốn vay với lãi suất không kỳ hạn 3% đến 4%/năm đối với khách hàng vay vốn, hoặc buộc doanh nghiệp phải trả một khoản phí thẩm định vay vốn tại một công ty khác lên đến hàng triệu đồng, mà thực chất công ty thu phí thẩm định này trực thuộc tập đoàn tài chính của ngân hàng cho vay. Việc làm này không chỉ gây bức xúc nhiều khách hàng, mà còn gây rủi ro cho chính hệ thống ngân hàng và tạo áp lực lên nền kinh tế. Một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại khu công nghiệp Hòa Hiệp (xin không nêu tên) bức xúc: Doanh nghiệp vay 1 tỉ đồng lãi suất 15%/năm, ngân hàng bắt ký quỹ lại 50 triệu đồng chỉ được hưởng mức lãi suất 3,6%/năm. Thêm vào đó còn tính phí thẩm định hàng triệu đồng, tính ra lãi suất cao hơn 15%. Biết bị ép, nhưng doanh nghiệp không còn cách nào khác bởi đang cần vốn để mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

 

LÃI SUẤT SẼ GIẢM?

 

Thông tin Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15% và “bơm” thêm 10.700 tỉ đồng lãi suất 7,5% và 8%/năm thông qua thị trường mở nhằm giúp các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thông tin này không được các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đón nhận theo hướng tích cực. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên cho biết, số tiền “bơm” ra thị trường trong đợt này của Ngân hàng Nhà nước chỉ như “muối bỏ biển”, vì so với nhu cầu của nền kinh tế số vốn này quá nhỏ, không thể giúp ngân hàng cải thiện được cơn “khát” vốn. Thêm vào đó, số tiền này cũng chỉ cho các ngân hàng vay trong khoảng thời gian từ 7 đến 28 ngày nên chỉ có thể giúp cải thiện tính thanh khoản trong ngắn hạn chứ không thể dùng để cho vay trung và dài hạn (trên 12 tháng). Ông Trần Kim Hiếu cho biết thêm, muốn “kéo” lãi suất cho vay xuống thấp thì các ngân hàng phải đồng loạt “kéo” lãi suất huy động xuống theo. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng thuận của nhiều ngân hàng cùng thực hiện. Trước mắt, Vietinbank chưa có chủ trương giảm lãi suất cho vay bởi đang phải “gánh” một lượng lớn vốn huy động lãi suất cao. Tuy nhiên, về lâu dài Vietinbank cũng phải giảm lãi suất cho vay theo chủ trương chung của ngành. Ông Lê Hữu Trì, Giám đốc DNTN Xây dựng Thanh Tòng (huyện Đông Hòa) nói: “Chúng tôi chờ khi nào lãi suất giảm xuống mức 12%/năm mới dám “gõ cửa” ngân hàng vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, vì chỉ có lãi suất thấp mới đảm bảo làm ăn có lãi”. 

 

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép mở rộng thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay ngắn hạn để khơi thông “dòng” vốn đang bị ách tại các ngân hàng, nếu không sẽ nảy sinh tiêu cực. Ví dụ, khoản vay ngắn hạn 365 ngày không được áp dụng lãi suất thỏa thuận, nhưng cho vay 366 ngày thì được chuyển sang vay trung dài hạn lại có thể thỏa thuận. Lý giải điều này, giám đốc một ngân hàng phân tích: Nguyên nhân sâu xa vẫn là huy động không được nên ngân hàng chuyển qua cho vay trung dài hạn để lấy lãi suất thỏa thuận ở mức cao và hạn chế cho vay ngắn hạn để có lãi. Vì vậy không nên để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Đã đến lúc các ngân hàng thương mại phải đồng thuận giảm lãi suất vì lợi ích chung.

  

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek