Chủ Nhật, 19/01/2025 09:21 SA
Biện pháp phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa
Thứ Năm, 08/04/2010 15:00 CH

Trước tình hình bệnh lùn sọc đen hại lúa phát sinh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đang có diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư hướng dẫn biện pháp phòng trừ căn bệnh nguy hiểm gây hại cho nông nghiệp. 

 

ray100408.jpg

Các nhà khoa học đang đi thực tế tại một cánh đồng có sâu bệnh gây hại ở Phú Yên - Ảnh: N.LƯU

 

BẮT BỆNH CÂY LÚA

 

Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi rút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền vi rút này. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.

 

Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen.

 

BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

 

Để ngăn chặn căn bệnh này, theo thông tư, nông dân có thể áp dụng một số biện pháp phòng bệnh như vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt dọn tàn dư thực vật từ cây ngô hoặc bảo vệ mạ bằng cách thực hiện gieo mạ có che ny lông để kết hợp chắn rầy với chống rét trong vụ đông xuân.

 

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không gieo mạ ở những ruộng vụ trước có bệnh. Ở những địa bàn vụ trước lúa bị bệnh lùn sọc đen, xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học hoặc sinh học để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy và tiến hành phun thuốc trừ rầy cho mạ, dùng thuốc nội hấp.

 

BIỆN PHÁP TRỪ BỆNH

 

Thông tư hướng dẫn cụ thể một số biện pháp trừ bệnh. Đó là, khi lúa ở giai đoạn từ gieo cấy - đứng cái xuất hiện bệnh, bà con cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe. Phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh. Chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi: bón cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm; khi lúa chưa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón lân và kali.

 

Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng, khi phát hiện có rầy lưng trắng tiến hành ngay phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trổ dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp.

 

Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời vụ, nếu hết thời vụ trồng cây khác (ngoại trừ ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép.

 

Theo chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek