35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều khu vực khó khăn thuộc miền núi, nông thôn, bán đảo, ven biển Phú Yên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành những nơi có kinh tế phát triển. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự thay đổi đó là nhờ những con đường được đầu tư bằng ngân sách và cả do dân đóng góp.
Láng nhựa trục đường miền Tây Phú Yên - Ảnh: NGUYỄN TRƯỞNG
Người dân thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu chắc hẳn vẫn khó quên bao nỗi khó khăn nhọc nhằn khi tuyến đường Trung Trinh – Vũng La – Từ Nham chưa được xây dựng. Trước năm 1997, Từ Nham gần như tách biệt với những khu vực dân cư xung quanh khi phải chịu cảnh cách trở đò ngang. Trong ký ức của rất nhiều người dân ở đây vẫn khắc sâu cảnh phải cuốc bộ qua những đồi cát dài giữa trưa hè nóng bỏng hoặc vượt đầm Cù Mông trong những đêm mưa gió bão bùng để vào thị xã Sông Cầu mỗi khi có việc cần. Rất nhiều trẻ con đã phải gát lại việc học, một số người bệnh nặng đành chịu chết vì không kịp đến bệnh viện do đường sá xa xôi, cách trở … Cuộc sống của người dân thôn Từ Nham sẽ còn thiếu thốn nhiều nếu như đường giao thông không được mở vào năm 1997. Dù chỉ là một tuyến đường dất nhưng đường Trung Trinh – Vũng La – Từ Nham thực sự góp phần thay đổi bộ mặt bán đảo Từ Nham. Có đường, huyện Sông Cầu (bây giờ là thị xã) đã đầu tư kéo điện về các xã ven đầm Cù Mông trong đó có Từ Nham. Nhờ vậy kinh tế và cuộc sống của người dân thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh đã phát triển vượt bật. Từ Nham hiện là một trong những nơi giàu có với nghề nuôi tôm hùm và đánh bắt hải sản. Nhiều ngành dịch vụ như cơ khí, hậu cần nghề cá được mở ra mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở đây. Tất cả nhờ vào đường và điện.
Nếu như Từ Nham đã khó khăn thì Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) lại càng khó khăn hơn. Xã vùng cao này từng là căn cứ địa cách mạng nhưng nhiều năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Phú Mỡ vẫn chịu nhiều thiếu thốn. Đường về với những buôn làng ở đây đã một thời là nổi cực hình với những cán bộ của tỉnh, của huyện mỗi khi về Phú Mỡ công tác. Khi mùa mưa bão đến Phú Mỡ gần như bị chia cắt với các khu vực lân cận bởi nước lớn gây tắt đường hoặc biến nhiều đoạn đường thành những bãi sình. Những khó khăn đó giờ đã lùi xa khi đường tỉnh 647 (ĐT647) từ xã Xuân Phước lên vùng cao Phú Mỡ được nâng cấp, mở rộng. Giờ thì các loại xe đã có thể bon bon đến bất cứ nơi nào của Phú Mỡ mà không sợ tắt đường như trước đây. Dọc theo ĐT647 đã hình thành một số khu dân cư đông đúc. Bộ mặt của Phú Mỡ đổi thay từng ngày khi những tuyến đường dẫn về các buôn nằm sâu trong núi tiếp tục được mở, kéo buôn làng về với trung tâm xã và Phú Mỡ đã “gần” với trung tâm huyện Đồng Xuân hơn.
Phú Mỡ nói riêng, các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Hinh luôn là những vùng đất giàu tiềm năng, đang phát triển từng ngày nhờ những con đường nối với các huyện đồng bằng đồng thời liên kết với nhau nhờ trục giao thông phía tây Phú Yên. Trục giao thông này xuyên suốt từ huyện Vân Canh (Bình Định) đi qua nhiều xã thuộc 3 huyện miền núi của tỉnh nối với MĐrắc (Đắc Lắc). Trục dọc miền tây Phú Yên sẽ trở nên tấp nập bởi nhiều loại xe chở sắn, chở mía từ các tỉnh bạn về các nhà máy đường, tinh bột sắn ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Hinh. Thêm những “cửa ngõ” mới sẽ được mở giúp cho các huyện miền tây Phú Yên có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế đồng thời phục vụ cho an ninh quốc phòng. Bây giờ con đường đã được thông xe từ đầu đến cuối tuyến, nhiều đoạn đã được thảm nhựa góp phần làm cho những vùng đất nơi con đường đi qua trở nên sầm uất hơn. Trong một tương lai không xa, những thị tứ, thị trấn, bản làng mới sẽ được hình thành theo trục dọc miền tây Phú Yên. Vùng đất bạt ngàn, giàu tiềm năng này sẽ được đánh thức bởi những con đường mà nói theo cách nói của người dân ở đây chỉ có cách mạng, chỉ có đất nước thống nhất mới có những con đường thoát người, con đường của sự ấm no sung túc.
THANH HOÀI