Chủ Nhật, 19/01/2025 22:01 CH
Niên vụ mía đường 2009 – 2010:
Nhà máy thiếu mía, dân lại ép thủ công
Thứ Hai, 05/04/2010 09:50 SA

Trong khi các nhà máy đường đang thiếu nguyên liệu, thì tại một số vùng trồng mía ở Phú Yên, nông dân phải thu hoạch mía ép bằng che thủ công và chịu cảnh ép giá, do xa đường giao thông, khó vận chuyển.

 

Ông Lê Tấn Đàm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết, niên vụ mía năm nay theo kế hoạch nhà máy thu mua 145.000 tấn nguyên liệu, thế nhưng đến thời điểm này chỉ mới mua được khoảng 100.000 tấn. Qua khảo sát vùng nguyên liệu của nhà máy chỉ còn khoảng 25.000 tấn, trong đó có khoảng 10.000 tấn mía để làm giống trồng niên vụ mía 2010 – 2011. Như vậy, so với kế hoạch niên vụ mía 2009 - 2010 công ty thiếu 30.000 tấn mía nguyên liệu. Nguyên nhân là do ảnh hưởng cơn bão số 11/2009, một số diện tích mía bị ngã đổ, hư hại và giảm năng suất.

 

Không chỉ thiếu nguyên liệu, các nhà máy đường ở Phú Yên còn đối mặt với chữ đường thấp do thân mía “bò” sát đất, đâm rễ, nứt mầm. Trước tình hình này, các nhà máy đường đã đưa ra chính sách thay đổi giá mua mía. Cụ thể, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa tăng giá thu mía nguyên liệu từ 730.000 đồng lên 850.000 đồng/tấn tại ruộng. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hỗ trợ từ 20.000 - 80.000 đồng/tấn mía, tùy theo chữ đường. Ngoài ra, tùy theo vùng nguyên liệu gần hay xa mà doanh nghiệp mía đường hỗ trợ cước vận chuyển.

 

Trong khi các doanh nghiệp mía đường phải tăng giá thu mua mía nguyên liệu thì một số hộ trồng mía ở các khu vực xa đường giao thông lại thu hoạch mía ép mía bằng che thủ công và chịu giá đường trầm ở mức thấp. Ông Hồ Tùng ở vùng 13, xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho biết: Vụ mía năm nay các che ép  mía thủ công không nấu đường trầm như các năm trước, mà nấu mật (không cô đặc). Trung bình bốn phuy nước mía nấu cô đặc lại một phuy nước mật, trước đây giá một phuy nước mật 2 triệu đồng, nay chỉ còn 1,8 triệu đồng/phuy. “Do không có đường để xe vào vận chuyển mía nên buộc phải ép thủ công, nếu bán nhà máy thì  phải qua khâu trung chuyển, tiền xe “ăn” hết”, ông Tùng giải thích.

 

Tại một số địa phương ở huyện Đồng Xuân, nông dân tận dụng công nhàn rỗi trong gia đình thu hoạch mía, ép bằng che thủ công và phải chịu cảnh ép giá đường trầm. Ông Lê Văn Trung, ở xã Xuân Quang 3 phân tích: Trung bình mỗi ngày nấu từ 7 đến 8 phuy nước mật, với bốn lao động làm việc liên tục với giá mật 2 triệu đồng/phuy, người trồng mía lấy công làm lời chỉ 200.000 đồng.   

 

Ngoài ra, khi giá đường mật giảm, thay vì hàm lượng đường đạt 30 độ, thì nay người mua đòi hỏi phải tăng lên 35 độ. Để đạt được độ mật này thì phải ép 2,2 tấn mía cây mới có thể nấu được một phuy đường mật, vì vậy người trồng mía không chỉ chịu cảnh ép giá mà còn mất thêm 200kg mía cây. Như vậy so với bán mía cây cho các nhà máy đường, nông dân ép mía bằng phương pháp thủ công phải chịu lỗ gần 400.000 đồng/phuy. “Nếu đo hàm lượng đường không đạt thì giá có thể thấp hơn nữa, thậm chí chỉ còn 1,5 triệu đồng/phuy”, Ông Trung nói.

 

Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, đến nay nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch 11.900/18.210ha mía, năng suất bình quân đạt 45 tấn mía cây/ha. Do ảnh hưởng cơn bão số 11/2009, mía bị ngập, đổ ngã nên năng suất sản lượng thấp hơn so với niên vụ trước.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đổi thay nhờ những con đường
Thứ Năm, 08/04/2010 19:00 CH
Tích lũy “kho tài sản trí tuệ Việt”
Thứ Ba, 06/04/2010 10:33 SA
Tăng thu nhập cho nông dân
Thứ Hai, 05/04/2010 14:30 CH
Nỗi lo sông “nuốt” làng
Thứ Hai, 05/04/2010 10:00 SA
“Chạy đà” khá tốt
Thứ Hai, 05/04/2010 07:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek