Cơn lũ lịch sử năm 2009 đi qua gần 5 tháng, nhưng đến nay người dân xóm Cát, thôn Phước Mỹ Tây, xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) vẫn chưa cải tạo xong tình trạng cát bồi lấp ruộng, vườn để sản xuất, trồng hoa màu.
Một đoạn bờ sông bị nước xâm thực đến 50m – Ảnh: T.HỘI
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân xóm này hiện đang rất lo lắng việc bị sông xâm thực. Ông Phạm Bá Chước, một người dân trong xóm cho biết: “Chỉ trong vòng ba năm nay, nước lũ đã xóa sổ cồn Đầm với diện tích hàng trăm héc ta, nằm cạnh khu dân cư của địa phương. Hiện tại, cồn Đầm đã biến thành một nhánh sông nhỏ của sông Ba, con nước đã xâm thực vào khu dân cư hơn 50m”.
Trận lụt lịch sử tháng 11/2009, người dân ở xóm này đã chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp, chưa từng có bởi sức tàn phá của con nước dữ. Hàng trăm bụi tre lâu năm đã bị nước lũ bứng gốc, cuốn trôi, số còn nằm lại chổng chơ, lớp lớp, hàng hàng. Nước lũ đã xé toạc một đoạn bờ sông bảo vệ xóm làng dài khoảng 200 m, đưa nước xoáy thẳng vào xóm, mang theo một lượng cát khổng lồ, bồi lấp hơn 2,5 ha ruộng, vườn của bà con. Lượng cát bồi lấp từ 0,5 m đến trên 1m, có nhà bị cát bồi vào hiên, phải hốt, dọn hàng tháng trời. Ông Nguyễn Nhi, Phó trưởng thôn Phước Mỹ Tây nói: “Theo chỉ đạo của UBND xã Hòa Bình 2, trong số khoảng 3 ha bị cát bồi lấp chỉ cho nông dân cải tạo khoảng một nửa. Số diện tích còn lại nằm gần đoạn bờ sông thì trước mắt không cho người dân cải tạo, chờ có ý kiến của ngành chuyên môn. Nhiều hộ dân rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp vì không có đất sản xuất”. Ông Lê Tự Bửu, một người dân có ruộng bị bồi lấp cho biết: “Nhà tôi có 3 sào mía bị cát bồi lấp hư hại hoàn toàn, nhưng chính quyền địa phương không cho cải tạo để sản xuất, chúng tôi biết làm gì để ăn đây. Mong cấp trên sớm có hướng giải quyết và có chính sách hỗ trợ người dân khắc phucï hậu quả thiên tai”.
Tuy nhiên, bức xúc không có đất sản xuất chỉ là nỗi lo tạm thời của một số hộ dân, lo sợ lớn nhất của hàng trăm gia đình xóm này là mối hiểm họa của lũ lụt đang treo lơ lửng trên đầu. Vì theo người dân, dòng chảy của sông Ba rất dễ bị đổi hướng, chĩa thẳng mũi vào thì rất có thể xóm Cát sẽ biến thành một dòng chảy của con sông này. Phó Trưởng thôn Phước Mỹ Tây Nguyễn Nhi nói: “Chứng kiến thảm họa xóm Trường ở huyện Đồng Xuân trong trận lũ lịch sử năm ngoái, người dân sống ở xóm Cát cứ thấp thỏm lo sợ cho một cảnh tượng tương tự sẽ xảy ra tại nơi này. Một số hộ gia đình đã tính đến chuyện phải bỏ đi nơi khác sống. Nguyện vọng thiết tha nhất của người dân xóm Cát, thôn Phước Mỹ Tây là mong ngành chức năng của huyện, tỉnh cấp thiết có phương án khắc phục sạt lở cho khu vực bờ sông này để bảo vệ sự an nguy của người dân, giúp họ an tâm sinh sống”.
Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên vừa có công văn đề nghị Ban quản lý các dự án cấp bách phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, UBND các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân và TP Tuy Hòa đề xuất các tiểu dự án bức thiết, ưu tiên thực hiện trong năm 2010 thuộc ba dự án thủy lợi cấp bách. Trong số các dự án yêu cầu đề xuất các tiểu dự án bức thiết có dự án: Hệ thống thoát lũ, bảo vệ dân cư sông Ba của các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Theo đề nghị của Sở Kế hoạch - Đầu tư, các ngành chức năng, các địa phương nói trên tổ chức khảo sát trên phạm vi toàn dự án, để xác định các tiểu dự án bức thiết tại những vị trí xung yếu, trong đó làm rõ danh mục các tiểu dự án bức thiết ưu tiên thực hiện trong năm 2010. Triển khai thực hiện yêu cầu này của Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên, chúng tôi nghĩ rằng ngành chức năng và chính quyền địa phương huyện Tây Hòa nên lưu tâm đề xuất phương án khắc phục đoạn bờ sông bị sạt lở, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân xóm Cát sớm ổn định sản xuất.
LÊ THANH HỘI