Thứ Năm, 10/10/2024 02:27 SA
Chừng nào tôm thẻ xóa nợ, giảm nghèo?
Chủ Nhật, 04/04/2010 14:00 CH

Sau những thất bại nặng nề do dịch bệnh trên con tôm sú, hai năm nay, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thu được kết quả. Con tôm thẻ chân trắng vừa nhen nhóm niềm hy vọng xóa nợ, giảm nghèo cho dân thì từ đầu vụ nuôi năm nay, niềm hy vọng đó một lần nữa bị dập tắt khi hàng trăm ha tôm thẻ đầu vụ bị dịch bệnh xóa sổ. Bao giờ con tôm thẻ giúp dân xóa nợ, giảm nghèo vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

 

nuoi-tom.jpg

Người nuôi tôm mất mùa

 

CHẠY THEO GIÁ VÀ LÀM KIỂU ĂN MAY

 

Vụ tôm thẻ 2009, hơn 80% người nuôi tôm ở Phú Yên có lãi, mức lãi bình quân từ 50 triệu đến hơn 100 triệu đồng/ha. Trước đó năm 2008, nhiều hộ nuôi cũng thắng lớn nhờ con tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao. Thắng lợi liên tiếp trong 2 năm 2008-2009 đã khiến người dân đổ xô thả tôm thẻ chân trắng và hiện nay 100% diện tích ao đìa ở vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) và cả khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy An)- nơi mà trước kia dành nuôi tôm sú đều được người dân đưa vào thả nuôi tôm thẻ chân trắng.

 

Vụ nuôi 2010, sau cơn bão số 11, mưa ít, nước mặn lên sớm, bất chấp khuyến cáo lịch thời vụ của ngành chức năng, nhiều người nuôi tôm đã thả tôm sớm hơn lịch thời vụ từ 1-2 tháng với hy vọng sẽ lại thắng trong vụ nuôi mới này. Nhưng ngay sau đó, hàng chục ha ao đìa bị thiệt hại do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gây mưa, nước sông lên nhanh tràn vào các hồ tôm, nhiều diện tích tôm nuôi xuống giống từ 20 ngày đến hơn 1 tháng bị sốc nước ngọt và chết hàng loạt. Số khác thì bị dịch bệnh đe dọa. Ông Phan Văn Mười, người nuôi tôm thôn Đa Ngư cho biết so với mọi năm ai cũng thả sớm hơn cả tháng. Một là bà con thấy đầm đìa êm, nước mặn đã lên đồng vội vã thả với hy vọng “trúng mánh” như năm ngoái. Còn nhà ông Trình Khá ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa cho biết lý do người dân thả tôm sớm không gì khác hơn là giá. Đầu vụ bao giờ giá tôm cũng cao, có thời điểm tôm thẻ được tư thương mua đến 55.000 đến 65.000 đồng/kg. Nếu năng suất khá thì thắng to. Nếu làm chính vụ, ai cũng đến mùa thu, thậm chí năn nỉ vẫn khó bán mà tôm thương phẩm chỉ còn 40.000 đến 45.000 đồng/kg, nông dân tụi tui trừ chi phí, hao hụt không biết lấy gì để ăn...!

 

Ông Phan Văn Mười, người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch cho biết thêm: Một lý do khác khiến cho áp lực việc lựa chọn thời điểm thả tôm đè nặng lên vai người nông dân là chi phí cho vụ nuôi tăng cao theo từng năm. Nông dân xoay xuể mọi cách- dù là chỉ dựa vào ăn may để mong có được vụ nuôi thắng lợi, bù đắp chi phí sản xuất và trang trải các khoản nợ cũ.

 

DỊCH BỆNH LẠI PHÁT SINH

 

Và hậu quả của việc thả sớm, chạy theo giá trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, con giống không được kiểm soát chặt chẽ đã làm phát sinh dịch bệnh. Niềm hy vọng xóa nợ, giảm nghèo của người nuôi tôm một lần nữa bị dập tắt. Chỉ trong một tuần lễ, từ ngày 26/2 – 4/3 đã có tới 85 ha tôm thẻ chân trắng ở Phú Yên bị nhiễm dịch bệnh, chủ yếu tại huyện Tuy An và Đông Hoà. Nếu tính từ đầu năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 239 ha tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh.

 

Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thuỷ sản Phú Yên cuối tháng 2 vừa qua đã xác định nguyên nhân dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng là do trong môi trường nước ở các vùng nuôi thuộc hai huyện Tuy An và Đông Hòa có hàm lượng phosphat cao vượt ngưỡng cho phép. Riêng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất Phú Yên là đồng tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hoà), người nuôi tôm sử dụng nước từ giếng ngầm để cấp cho ao nuôi. Tuy nhiên do nguồn nước có độ pH thấp; hàm lượng phèn sắt và khí độc amoniac cao đã góp phần làm cho dịch bệnh bùng phát. Bà Nguyễn Thị Thủy, phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa nói: Giải pháp giải quyết vấn đề này không gì khác là xử lý môi trường hồ nuôi và chờ thời tiết ổn định để thả lứa mới. Riêng về khoản hỗ trợ con giống chúng tôi cũng chỉ kiến nghị tỉnh chứ bản thân huyện cũng “bó tay” trong vấn đề này.

 

Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Về phía ngành chức năng, giải pháp mà ngành đưa ra là tăng cường kiểm tra, kiểm soát con giống nhập vào tỉnh. Vì trên thực tế, qua nhiều năm làm ăn thua lỗ, hơn 70% cơ sở sản xuất tôm giống của Phú Yên đóng cửa nên lượng con giống tôm thẻ hầu hết được người dân nhập từ tỉnh ngoài về. Đồng thời với đó là tăng cường công tác quan trắc môi trường để khuyến cáo cho các địa phương và người dân có biện pháp phòng ngừa.

 

Trước mắt, trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên vừa có thông báo cho nông dân và các địa phương tại Phú Yên tạm ngừng thả tôm thẻ chân trắng trên diện tích mới; thực hiện các biện pháp xử lý môi trường theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn.

 

Dịch bệnh phát sinh, ngành chức năng gồng mình chống dịch. Người nuôi tôm trắng tay. Niềm hy vọng trả nợ cũ và xóa nghèo từ con tôm thẻ một lần nữa bị dập tắt. Bao giờ con tôm thẻ thật sự giúp dân xóa nợ, giảm nghèo vẫn là câu hỏi chưa tìm được câu trả lời.

 

YÊN HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người vay “chùn chân”
Chủ Nhật, 04/04/2010 13:03 CH
Nên quản lý ngoại hối theo hướng mở
Thứ Bảy, 03/04/2010 13:03 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek