Lần đầu tiên sau nhiều năm, nông dân trồng mía Phú Yên có một vụ mùa thắng lợi nhờ giá mía cao nhất từ trước đến nay. Với giá bán 780.000 đồng/tấn mía cây như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ hơn 20 triệu đến 50 triệu đồng/ha. Cây mía có giá cũng là lúc nông dân đổ xô đi trồng mía và không ai lường trước những hệ lụy khi ồ ạt mở rộng diện tích.
Thu hoạch mía ở xã Sơn Hòa, huyện Sơn Hòa. - Ảnh: Q.ĐẠT
GIÁ MUA KỶ LỤC
Đến nay, nông dân Phú Yên đã thu hoạch khoảng 12.000 trong tổng số 18.210 ha mía niên vụ 2009-2010. Ảnh hưởng của thời tiết trong năm 2009 đã làm năng suất mía không cao, bình quân khoảng 45 tấn/ha. Thế nhưng nông dân đánh giá đây là vụ mía thắng lợi nhất trong vòng hơn 5 năm nay. Đầu vụ, nông dân Phú Yên bán mía với giá 720.000 đồng/tấn. Càng về cuối vụ, giá mía cây được các công ty chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh điều chỉnh tăng liên tục nhờ giá đường thế giới tăng cao; tình hình tiêu thụ đường trong nước khả quan. Và cho đến lúc này, khi diện tích mía toàn tỉnh chỉ còn chưa đầy 1/3 thì giá mía đã ở mức trên dưới 800.000 đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so với vụ trước và là mức giá mà nông dân trồng mía trong năm ngoái chưa bao giờ nghĩ đến.
Sơn Hòa là huyện có vùng mía lớn nhất tỉnh với gần 9.000 ha. Kết quả thu hoạch hơn 2/3 diện tích năng suất đạt khá, trung bình 55 tấn/ha. Nhiều vùng mía như Sơn Nguyên, Sơn Hà năng suất trên 100 tấn/ha nên nông dân thu lãi lớn. Người trồng mía trong vụ này ở Phú Yên lãi từ 25 triệu đến trên 50 triệu đồng/ha. Ông Phan Quang ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa cho biết: “Năm nay, bà con chúng tôi làm giống mới tuyển chọn, năng suất khá lắm. Một sào mía có người cũng thu được 8-10 tấn tùy theo đất. Năm nay nhờ giá mía cao nên thu nhập khá. Nhà tôi làm hơn 3 ha, để giống lại một phần, phần còn lại bán cho nhà máy đường, thu lãi hơn 120 triệu đồng”.
Ồ ẠT MỞ RỘNG DIỆN TÍCH MÍA
Hiệu quả cao từ cây mía đã khuyến khích nông dân Sơn Hòa tập trung đầu tư mở rộng diện tích và phát triển vùng mía có tưới. Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích mía gốc đến năm thứ ba, nông dân Sơn Hòa làm đất và trồng mới. Dự kiến niên vụ 2010 – 2011, diện tích mía của Sơn Hòa sẽ tăng lên hơn 9.000 ha.
Tại Sơn Hà, xã có diện tích mía lớn nhất huyện Sơn Hòa, năm nay nông dân tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng mía. Ông Nguyễn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Lâu nay xã có vùng đất bằng Thạnh Hội chuyên sản xuất cây thuốc lá. Hiệu quả của vụ mía năm nay đã khiến cho người dân bỏ cây thuốc lá cũng như các cây trồng khác để đầu tư trồng mía. Từ trước tết đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Hòa không có mưa. Nông dân bằng mọi cách khơi nguồn sông suối, sử dụng máy bơm nhỏ để bơm tưới và xuống giống mía trên nhiều diện tích trồng mới. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng với tình hình phát triển mạnh cây mía như hiện nay, Sơn Hà dự kiến diện tích mía sẽ tăng hơn 1.500 ha trong năm nay.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, năm nay huyện Sơn Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đầu tư mở rộng diện tích mía có tưới khoảng 200 ha, phấn đấu đưa năng suất mía đạt 100-120 tấn/ha. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa cho biết: Trong điều kiện hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn Hòa tham mưu UBND huyện cho mở rộng một số diện tích mía có tưới dọc theo các triền sông, suối có nguồn nước chủ động ở thị trấn Củng Sơn và các xã Sơn Hà, Suối Bạc, Sơn Nguyên; đồng thời vận động nhân dân tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất thay vì mở rộng diện tích.
PHÁ VỠ QUY HOẠCH VÙNG MÍA
Ngành Nông nghiệp Phú Yên thừa nhận trong hai, ba vụ gần đây, việc trồng và thu hoạch mía rất vất vả; cây mía đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các cây trồng khác. Chỉ cách đây 3 năm, đất nông nghiệp trong vùng quy hoạch trồng mía của Phú Yên được nông dân trồng sắn hay các cây trồng khác như lúa cho thu nhập cao hơn. Một nguyên nhân khác là diện tích mía ở Phú Yên bị thiệt hại khoảng 30% do ảnh hưởng của lũ lụt cuối năm 2009, càng khiến cho các nhà máy vào vụ sản xuất thiếu hụt nguyên liệu. Trên phạm vi cả nước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích mía vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy niên vụ 2008-2009 giảm khoảng 17.000 ha. Tổng sản lượng mía cả nước khoảng 13,5 triệu tấn, giảm 19% so với niên vụ trước. Năng suất mía bình quân cũng giảm xuống còn gần 50 tấn/ha. Dự báo lượng đường niên vụ 2009-2010 thiếu hụt khoảng trên 300.000 tấn. Đây là nguyên nhân khiến giá đường tăng. Một nguyên nhân khác đang tác động đến tình hình đầu tư và phát triển ồ ạt diện tích mía là giá đường thế giới tăng. Giá đường giao kỳ hạn tháng 3/2010 tại thị trường
Giá mía tăng cao, ngay lập tức quy hoạch vùng mía tại các địa phương một lần nữa bị phá vỡ và nông dân không ngần ngại phá rừng để trồng mía hoặc chuyển từ các cây trồng khác sang trồng mía. Từ ngày 3 - 10/3/2010, lực lượng kiểm lâm đã tuần tra, phát hiện và lập biên bản 29 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 6 vụ phá rừng làm rẫy trên địa bàn huyện Sơn Hòa, gây thiệt hại gần 2 ha rừng ở trạng thái IIa, IIb. Ở nhiều địa phương khác như Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa..., cây mía cũng bắt đầu... Ông Phan Quang ở xã Sơn Nguyên nói: Tại địa phương chúng tôi, làm mía lãi 40-50 triệu đồng/ha, có thể nói là không cây gì lãi bằng. Bà con nông dân chúng tôi trước mắt thấy lợi thì làm. Vụ sau giá mía thế nào, công ty không biết thì nông dân chúng tôi cũng chỉ làm để cầu may, nếu năm sau được giá thì lại kiếm thêm thu nhập và ngược lại thì chấp nhận thua lỗ.
LÊ BIẾT