Phú Yên và các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng về di lịch văn hóa với nhiều di tích, danh thắng. Các địa phương cần có chính sách khai thác mang tính bền vững.
Du khách tham quan trên vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
GIÀU TIỀM NĂNG DU LỊCH VĂN HÓA
Vùng duyên hải Nam Trung bộ có tám tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với bờ biển dài, hải đảo, đồng bằng và miền núi mang đậm nét khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Vùng đất này là địa bàn của cư dân tiền sử Sa Huỳnh và Chămpa thời cổ, trung đại. Trong quá trình mở nước về phía Nam, người Việt đã kế thừa những thành tựu về văn hóa của người Chăm và một phần các dân tộc ít người khác để xây dựng một nền văn hóa truyền thống trên cơ sở những phong tục tập quán văn hóa của tổ tiên, tạo nên một nền văn hóa vừa thống nhất vừa đa dạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại nơi đây hàng ngàn di tích lịch sử có giá trị, đó là những công trình kiến trúc như tháp, đình, chùa, đền, miếu, lăng mộ... Bên cạnh đó, với bờ biển dài, kết hợp với vùng đồng bằng, miền núi và hải đảo đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.
Vùng duyên hải Nam Trung bộ có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong đó, một số dân tộc đã sinh sống ở đây từ lâu đời như Chăm, Ê Đê, BaNa, Hoa, M Nông, Raglai... Các dân tộc sống đan xen nhau với các nghề làm nương rẫy, nghề trồng lúa nước, nghề biển. Cuộc sống hội tụ đã tạo nên những sắc thái văn hóa dân gian phong phú, từ hát tuồng, bài chòi, hò bá trạo đến các lễ hội, trường ca với nhạc cụ dân tộc trống đôi – cồng ba – chiêng năm. Vùng đất này còn là nơi diễn ra nhiều loại hình lễ hội khác nhau thể hiện tính đa dạng và phong phú về phong tục dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chúng ta đều nhận thấy, tài nguyên du lịch văn hóa là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể bao gồm những di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, loại hình nghệ thuật, lễ hội...
Phú Yên nằm trên trục Quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 1.160km về phía bắc và cách TP Hồ Chí Minh 645km về phía nam, có bờ biển dài gần 200km với nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo, vịnh, đầm, phá. Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng nổi tiếng với những vịnh, đầm, phá vẻ đẹp thơ mộng và những di tích của ông cha xưa để lại. Nổi lên có số di tích, danh thắng đó là tháp Nhạn, gành Đá Đĩa, di tích lịch sử Vũng Rô, danh thắng đầm Ô Loan... Ngoài những di tích nổi bật nêu trên, Phú Yên còn nhiều di tích, danh thắng đẹp và nổi tiếng khác như vịnh Xuân Đài, núi Đá Bia, Hải Đăng Mũi Điện, mộ và đền thờ Lê Thành Phương, chùa Từ Quang hay còn gọi là chùa Đá Trắng, thành An Thổ (huyện Tuy An), mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, thành Hồ (huyện Phú Hòa), di tích Đường số 5 (huyện Tây Hòa), nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (huyện Đồng Xuân), địa điểm diễn ra cuộc đồng khởi Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa)... Về di sản văn hóa phi vật thể, Phú Yên được coi là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Đầm Ô Loan, lễ hội đập Đồng Cam, lễ hội Cầu Ngư, Đêm thơ Nguyên tiêu – núi Nhạn, lễ hội dâng hương đền Lê Thành Phương. Hát sắc bùa là một thể loại âm nhạc đặc sắc của người dân vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam.
Ngoài ra vùng đất duyên hải Nam Trung bộ còn có nhiều nghề truyền thống đặc sắc, nếu biết khai thác sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch, bảo tồn nghề truyền thống, nâng cao đời sống người dân. Để tìm hiểu về các di tích, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Phú Yên nói riêng và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nói chung, chúng ta còn có thể đến tham quan các bảo tàng tại các tỉnh này. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày một cách tổng quan về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của từng địa phương.
Có thể nói, những di tích, danh lam thắng cảnh cùng với những di sản văn hóa phi vật thể kể trên, mỗi khi tiếp cận chúng ta đều cảm nhận được lời nhắn nhủ của cha ông để thêm tự hào về vùng quê giàu đẹp ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Những di sản văn hóa này chắc chắn sẽ bổ sung cho con đường du lịch văn hóa ở đây thêm phong phú và hấp dẫn.
CẦN HÀI HÒA GIỮA KHAI THÁC VÀ BẢO TỒN
Vùng duyên hải Nam Trung bộ được đánh giá là một trong ba trung tâm du lịch của cả nước, ngoài thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó du lịch biển, đảo và di tích lịch sử văn hóa dân tộc là nguồn lực quan trọng. Trong tương lai, để khai thác và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Phú Yên cũng như trong khu vực để phục vụ phát triển du lịch, mỗi địa phương cần sử dụng hợp lý, hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong vùng, tập trung khai thác các điểm du lịch văn hóa, các tour du lịch văn hóa phù hợp với nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Phát triển các làng nghề truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Ngoài những di tích, danh thắng đã được nhận diện, xếp hạng, các địa phương cần tiếp tục điều tra, đánh giá toàn diện và làm nổi bật giá trị của những di tích, danh thắng. Tiếp tục xem xét đề nghị xếp hạng ở cấp quốc gia và quốc tế nhằm không ngừng quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đầu tư có trọng điểm cho việc khai thác và bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tổ chức và quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch và đầu tư khai thác các giá trị di sản văn hóa cho phát triển du lịch văn hóa. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình khai thác, sử dụng và bảo tồn di sản văn hóa, khai thác song song bảo tồn. Đây là nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Cần có chính sách tái đầu tư hợp lý cho việc bảo tồn di sản văn hóa, đánh giá tác động môi trường tại các điểm di tích. Cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích, danh thắng để đảm bảo các giá trị nguyên gốc.
NGUYỄN VIẾT CƯỜNG
Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch)