Mới đây, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Trung ương đã về Phú Yên kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn, rầy nâu đang phát sinh gây hại rải rác ở nhiều cánh đồng lúa đông xuân. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Đoàn Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV Trung ương, về các giải pháp phát hiện và phòng trừ bệnh đạo ôn, rầy nâu.
Tiến sĩ Đoàn Trung kiểm tra lúa bị sâu bệnh ở huyện Đông Hòa. - Ảnh: N.LƯU
* Qua kiểm tra đồng ruộng, ông có thể đánh giá tình hình bệnh đạo ôn, rầy nâu trên đồng ruộng Phú Yên hiện nay?
- Bệnh rầy nâu đã phát sinh trên đồng lúa Phú Yên với diện tích 1,5ha, tập trung các giống KD 18, DV 108, HDB 6, TBR 1, Ải 32, HT 1, Q 5, D 98-17... Qua kiểm tra, nhận thấy mật độ rầy nâu phát triển ở huyện Đông Hòa không cao. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Trung tâm BVTV miền Trung, trong đầu tháng 3 có lứa rầy nâu mới phát sinh có thể lây lan gây hại trên diện rộng.
Qua làm việc với Chi cục BVTV Phú Yên, hiện bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên diện tích hơn 120ha, trong đó có 78,9ha nhiễm nhẹ với tỉ lệ bệnh (TLB) 5-10% C1-3; 33,5 ha nhiễm trung bình, TLB 11-20%; 7,8ha nhiễm nặng, TLB 30-50% gây hại chủ yếu trên giống IR17494, ML 48, ML 68, ML4-2, ML213, ML202, ĐH1356, VND95-20... Ở những chân ruộng chăm sóc kém, bón phân không cân đối, thừa đạm, gieo sạ giống nhiễm, mật độ không hợp lý, không chủ động nước bệnh gây hại nặng hơn (tập trung ở các huyện Sông Cầu, Tuy An, Phú Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, TP Tuy Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Đông Hòa). Tuy nhiên, qua trực tiếp kiểm tra đồng ruộng ở các vùng lúa bị bệnh đạo ôn nặng như Hòa Vinh, Hòa Tân Đông, Hòa Thành (huyện Đông Hòa), nhận thấy một số diện tích bị bệnh đạo ôn lá đã xử lý thuốc nên bệnh giảm đáng kể. Chúng tôi đã kiểm tra lá lúa trên nhiều đồng ruộng và chưa phát hiện vết bệnh đạo ôn mới. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là lúa vụ đông xuân 2009 – 2010 trà chính vụ đang ở giai đoạn đứng cái – làm đòng, trong khi đó thời tiết có mây thay đổi, ngày nắng, sáng sớm lạnh, nhiều sương rất thích hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và phát triển gây hại. Do vậy, Phú Yên cần tiếp tục theo dõi và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh rầy nâu, đạo ôn cổ bông lúa trong thời gian tới.
* Nếu bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát trên diện rộng, thì Cục BVTV có giải pháp gì hỗ trợ Phú Yên khống chế bệnh này, thưa ông?
- Khi thời tiết diễn biến bất thường làm cho bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát thành dịch, Cục BVTV sẽ hỗ trợ nhân lực, vật lực; đồng thời phối hợp với Chi cục BVTV Phú Yên thành lập các ban chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng những nơi có mật độ bệnh đạo ôn gây hại nặng để dập dịch nhằm khống chế, hạn chế tối đa bệnh lây lan trên diện rộng. Cục hỗ trợ về thuốc, trực tiếp tập huấn phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông tại chỗ cho cán bộ BVTV và nông dân các địa phương trong tỉnh; khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh đạo ôn cổ bông và thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
* Được biết, hiện nay dịch bệnh rầy nâu đã bùng phát gây hại nặng trên diện tích hơn 26.000 ha ở tỉnh Bình Định. Vậy, Cục BVTV có biện pháp gì giúp Phú Yên phòng chống bệnh đạo ôn có nguy cơ lây lan từ Bình Định?
- Ngày 1/3, Cục BVTV làm việc với Chi cục BVTV Bình Định cấp tốc triển khai các biện pháp khống chế dứt điểm bệnh rầy nâu, nhằm hạn chế tối đa bệnh rầy nâu lây lan mạnh ra các tỉnh lân cận. Trong những ngày tới, nếu có gió mùa thay đổi thì dịch rầy nâu từ Bình Định sẽ di trú mạnh sang đồng ruộng tỉnh Phú Yên. Do vậy, để phòng trừ dịch bệnh rầy nâu lây lan trên vùng lúa đông xuân rộng lớn của tỉnh Phú Yên, Cục yêu cầu Chi cục BVTV Phú Yên tập trung điều ra, kiểm soát đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh rầy nâu để phòng trừ không để lây lan trên diện rộng.
Các kỹ sư nông nghiệp kiểm tra bệnh rầy nâu trên ruộng lúa ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) – Ảnh: N.LƯU
Biện pháp tối ưu nhất hiện nay là phòng bệnh, vì vậy các địa phương trong tỉnh Phú Yên cần sử dụng bẫy đèn để dự tính, dự báo và xác định thời điểm ra rộ của muỗi năn, rầy nâu, nhằm triển khai ngay các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Nông dân cần chú ý kiểm tra, theo dõi quản lý phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa đòng trổ. Nếu kiểm tra các cánh đồng và phát hiện rầy nâu phát triển mật độ cao trên 3.000 con/m2 (4-5 con/dảnh) thì cần vận động nông dân khoanh vùng phun trừ, tránh phun sớm dễ gây bộc phát rầy. Các thuốc nên dùng Applaud, Chess, Bassa, Jetan,... Cần phun kỹ vào gốc lúa và phun đủ 2 bình/sào. Về lâu dài, Cục BVTV sẽ có biện pháp đầu tư trợ giúp Phú Yên xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đạo ôn, rầy nâu trên ruộng lúa; khuyến cáo bà con áp dụng chương trình BUCAP lựa chọn giống tốt kháng được sâu bệnh, áp dụng chương trình IPM để sản xuất lúa nhằm hạn chế sâu bện phát sinh.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)