Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Phú Khánh chỉ có một xí nghiệp sản xuất thuốc đóng trên địa phận tỉnh Khánh Hòa bây giờ, còn lại là hiệu thuốc cấp 3, hệ thống phân phối do nhà nước quản lý và điều hành. Người bệnh sử dụng thuốc với giá bao cấp, hình thức bán thuốc tư nhân bị cấm, nạn bán thuốc bất hợp pháp diễn ra nhiều nơi nên ngành Dược mất ổn định.
Ngành Y tế kiểm tra một điểm bán lẻ thuốc tại TP Tuy Hòa - Ảnh: T.THỦY
Năm 1986 nhờ đường lối đổi mới của Đảng đã chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt vào tháng 7/1989 tỉnh Phú Yên được tái thành lập, Công ty Dược và vật tư y tế Phú Yên hình thành. Đây là cơ hội để ngành Dược Phú Yên phát triển kịp các tỉnh bạn, cung ứng đầy đủ thuốc cho các cơ sở điều trị đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, đồng thời vươn ra nhiều tỉnh bạn, xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.
Từ khi thực hiện Quyết định 94 ngày 8/3/1989 của Bộ Y tế cho phép tổ chức mạng lưới kinh doanh thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thì cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng, hệ thống bán lẻ thuốc phát triển nhanh với nhiều loại hình đa dạng, phong phú mặt hàng, tất cả đều do Sở Y tế xét cấp phép.
Khi hệ thống bán lẻ thuốc có sự quản lý của nhà nước và phát triển đều khắp các vùng trong cả tỉnh, người dân mua thuốc được gần hơn, thuận lợi hơn, tin tưởng hơn về chất lượng. Nhờ đó, trong nhiều năm qua ở Phú Yên, từ đồng bằng đến miền núi, không xảy ra tình trạng thiếu thuốc phòng và chữa bệnh khi bị ốm đau. Đây là việc làm góp phần tích cực thực hiện công tác xã hội hóa y tế ở địa phương, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, giải quyết thêm việc làm cho người lao động. Với ý nghĩa đó, hệ thống bán lẻ thuốc ở Phú Yên liên tục tăng về số lượng qua những năm gần đây: năm 2004 có 228 cơ sở; năm 2005 có 256 cơ sở; năm 2006 tăng lên 270 cơ sở; năm 2008 lên đến 289 cơ sở và hiện nay có tất cả 359 cơ sở. Trong đó nhà thuốc: 32; quầy thuốc: 34 và đại lý bán thuốc cho doanh nghiệp là 293. Số cơ sở bán lẻ thuốc phân bố khắp ba vùng: thành phố, huyện đồng bằng, huyện miền núi.
Sở Y tế vừa có đợt khảo sát về mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trên hai bình diện: số lượng cơ sở bán lẻ thuốc hiện có và số lượng, chất lượng mặt hàng thuốc. Với số lượng người được khảo sát là 390 người trên 3 xã. Qua khảo sát có 43,59% người cho rằng số lượng cơ sở bán lẻ thuốc còn ít và 56,41% cho như thế là đầy đủ và thuận lợi trong việc mua thuốc khi bị ốm đau. Đối với số lượng thuốc đầy đủ và đảm bảo chất lượng thì 21,03% người cho rằng đáp ứng đầy đủ số lượng, về chất lượng tốt thì 57,18% người cho rằng đáp ứng tương đối đầy đủ và 21,79% người cho rằng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân khi ốm đau phải mua thuốc. Qua tỉ lệ khảo sát trên, tuy vẫn còn một số ít người dân chưa thật sự hài lòng về hệ thống bán lẻ thuốc hiện nay ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Nhưng nhìn chung phát triển hệ thống bán lẻ thuốc trên địa bàn Phú Yên như thế là đúng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, nhân dân tỉnh nhà.
Ngoài Công ty cổ phần PYMEPHARCO và hệ thống bán lẻ thuốc nói trên, ở Phú Yên còn phát triển thêm được ba công ty dược phẩm tư nhân đó là Công ty TNHH Thainakorn Patana vốn 100% của Thái Lan, Công ty TNHH Dược phẩm Đức Tín và Công ty TNHH một thành viên Dược. Trong đó Công ty Thainakorn Patana giá trị sản xuất hàng năm khoảng 30 tỉ đồng.
Sự phát triển của ngành Dược ở Phú Yên nói chung, hệ thống bán lẻ nói riêng là thực hiện đúng chính sách quốc gia về thuốc và chiến lượt phát triển ngành đến năm 2010. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Dược sĩ ĐẶNG PHÚC LIÊM
(Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên)