Thứ Hai, 30/09/2024 18:37 CH
Sông Cầu: Khởi sắc nhờ biển
Thứ Ba, 11/07/2006 15:06 CH

Đến giữa năm 2006, GDP đầu người của huyện Sông Cầu đạt trên 6 triệu đồng/người, nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân 11,5%... Đóng góp vào kết quả phát triển tương đối khá đó, ngư nghiệp đóng một vai trò khá quan trọng.

 

Xác định ngư nghiệp là tiềm năng, thế mạnh, những năm gần đây huyện Sông Cầu có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này như: Cho dân vay vốn tín dụng, cấp diện tích mặt nước, giảm thuế…

 

060711-ca-com.jpg

Cá cơm xuất khẩu, một nghề cho giá trị kinh tế cao ở Sông Cầu - Ảnh: D.T.X

 

Đáng ghi nhận là nghề nuôi trồng thủy sản có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất bình quân hàng năm 16% và chiếm 34,3% GDP của huyện. Nổi bật nhất là nghề nuôi tôm hùm lồng, bè với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Đến nay, số lồng nuôi tôm hùm ở huyện tăng hơn 10.000 lồng và sản lượng đạt 650 tấn, tăng 8 lần so với năm 2002. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2006, Sông Cầu thu hoạch hơn 300 tấn tôm hùm, tăng gấp đôi so với năm trước. Ngược lại diện tích nuôi tôm sú giảm và hiện chỉ còn 350 ha thả nuôi, giảm 47% so với năm 2002. Nguyên nhân được xác định là do gặp nhiều bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh… Tuy nhiên, với qui trình nuôi một vụ tôm sú/năm, thả thưa, nuôi luân canh với một số loại thủy sản khác, trong hai năm 2004-2005 nghề nuôi tôm sú vẫn được khôi phục, bình quân mỗi ha lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.

 

Bên cạnh tôm hùm, tôm sú, Sông Cầu còn chú trọng đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản. Rong sụn là một đối tượng nuôi mới được phát triển từ năm 2004 với 120 ha mặt nước thả nuôi, sản lượng đạt 132 tấn khô, đến cuối tháng 6-2006, diện tích nuôi tuy tăng chậm, mới có 190 ha, nhưng sản lượng đạt 140 tấn rong khô. Vẹm xanh cũng được nuôi lần đầu ở Sông Cầu vào năm 2004 với 104 ký giống, nhưng sau đó đã phát triển nhanh nhờ tiềm năng lớn về kinh tế. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 11.350 ký giống vẹm xanh được bà con thả nuôi ở các vùng biển Sông Cầu. Một số vật nuôi khác như cá mú, cá dìa, cá măng, cá rô phi đơn tính… từng bước được thả nuôi với sản lượng khoảng 10 tấn/năm.

 

Ở lĩnh vực đánh bắt hải sản, tốc độ phát triển bình quân hàng năm tăng 7,3%; năm 2005 đạt 14.000 tấn, tăng 40% so với năm 2002; 6 tháng đầu năm 2006 khai thác trên 8.000 tấn. Giá trị khai thác thủy sản chiếm 16,3% trong cơ cấu kinh tế của Sông Cầu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và tăng thu nhập cho ngư dân vùng biển, cung cấp nguồn thức ăn thô và tôm hùm giống cho nghề nuôi tôm hùm. Hiện tại toàn huyện có 2004 tàu thuyền gắn động cơ với tổng công suất 43.800CV tăng 553 chiếc với 18.704CV so với năm 2002, nâng công suất bình quân lên gần 22CV/chiếc. Tàu có công suất 45CV trở lên 235 chiếc chiếm 11,7%, tàu có công suất trên 90CV chỉ có 11 chiếc.

 

Có thể khẳng định rằng sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, diện mạo nông thôn ở huyện Sông Cầu có nhiều khởi sắc, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành ngư nghiệp.

 

KIỀU BA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek