Đến nay, trong số 106 xã, phường của tỉnh thì đã có 77 xã bị dịch lở mồm long móng (LMLM). Số gia súc mắc bệnh gần 11.000 con. Rõ ràng LMLM đã là “dịch” thật sự tại nhiều vùng nông thôn Phú Yên chứ không còn là “nguy cơ” nữa. Thế nhưng, vẫn rất ít hộ nông dân chú ý đúng mức đến vấn đề này.
Đối với vùng nông thôn Phú Yên, con bò, con heo vẫn là những loại vật nuôi chủ yếu, là phương thức để dành vốn liếng của nông dân. Nhưng một khi xảy ra dịch bệnh đối với gia súc, “cơ nghiệp” của nhà nông đối mặt với khả năng “mất trắng”. Tình trạng thường thấy là nhiều người đã vội vàng bán đổ bán tháo, có cả trường hợp tự làm giả dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng, hoặc cơ quan chức năng chưa kiểm dịch vẫn cứ lưu hành “lậu”.
Để tránh bị thiệt hại lớn, nông dân cần chủ động kinh phí tự tiêm phòng dịch bệnh LMLM - Ảnh: LY KHA
Ngăn chặn dịch và dập dịch là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có các ngành chức năng, nhưng không phải cứ muốn là làm được. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên có tổ chức một hội thảo về vấn đề khống chế và thanh toán bệnh LMLM, trong đó chuyện kinh phí được bàn thảo nhiều nhất bởi muốn thanh toán dịch phải có hàng chục tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thì việc trích ngân sách tỉnh đủ yêu cầu cho vấn đề này gần như không thực hiện được. Trong khi đó, nếu áp dụng các biện pháp tiêu hủy bắt buộc, nông dân càng bị thiệt hại nhiều hơn. Nhiều ý kiến từ hội thảo đã nêu vấn đề thu lại kinh phí tiêm phòng theo tỷ lệ phần trăm mà người dân đóng góp thông qua khâu kiểm dịch xuất bán. Có điều ngay cả việc này cũng không khả thi bởi chỉ có 10% số gia súc được xuất bán có qua kiểm dịch.
Trước tình hình đó, rõ ràng không gì hiệu quả bằng cách tự bảo vệ tài sản của mình bằng cách tự bỏ kinh phí dành cho việc tiêm phòng để ngăn ngừa dịch bệnh! Việc bỏ một ít kinh phí để giữ được tài sản lớn rõ ràng là hiệu quả hơn để khi xảy ra rủi ro thì mất cả chì lẫn chài!
KHOA THY