Núi Hòn Đen thuộc thôn Tân Bình (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) là nơi giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Trước kia, đây là nơi tập trung của những người đào đãi vàng trái phép, nhưng bây giờ là vùng đất trù phú – nơi định cư của người Dao từ các tỉnh phía Bắc di cư vào.
Vườn cà phê của gia đình ông Bàn Nguyên Ngân (người đi trước). - Ảnh: A.NGỌC
ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Trước đây, các địa danh như núi Hòn Cồ, Hòn Đen… của huyện Sông Hinh được liệt vào danh sách “những nơi không bình yên”, bởi nhiều đối tượng thường xuyên tụ tập để khai thác vàng trái phép. Từ sau những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình an ninh trật tự khu vực này được ổn định, làng mới của đồng bào Dao cũng được thành lập ngay dưới chân núi này. Đến nay, làng Dao có 69 hộ với 313 người. Ông Bàn Nguyên Long, trưởng thôn Tân Bình, cho biết: “Gia đình tôi từ Lạng Sơn vào định cư ở đây từ năm 1994. Mặc dù lúc bấy giờ vùng đất này còn hoang sơ, đi lại khó khăn, sốt rét hoành hành… nhưng đất đai phì nhiêu nên mấy chục hộ đồng bào Dao chúng tôi quyết định trụ lại lập nghiệp “. Ông Long cho biết thêm, tất cả các hộ đồng bào Dao đến đây lập nghiệp phần lớn từ hai bàn tay trắng. Ban đầu, họ chỉ trồng cây sắn, bắp, lúa rẫy và một ít lúa nước để có cái ăn trước mắt. Khi đã có cái ăn rồi thì mở rộng sản xuất trồng những loại cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn. Gia đình ông Bàn Nguyên Ngân, cũng từ Lạng Sơn đến Hòn Đen, lập nghiệp từ năm 1995. Ông Ngân cho biết: “Đất đai ở đây rất tốt. 8ha cao su và cà phê của gia đình tôi trồng hơn 5 năm bắt đầu cho thu hoạch. Vụ vừa rồi, trồng hơn 4ha sắn cũng cho thu nhập khá vì giá cao. Ngoài ra, gia đình còn canh tác 1ha lúa nước hai vụ, chăn nuôi heo, gà… thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình xây dựng nhà ngói khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Ông Bàn Nguyên Long, Trưởng thôn Bình Tân cho biết thêm: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình như điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, nước sạch… được đầu tư xây dựng. Đến nay thôn Tân Bình đã có nhà văn hóa cộng đồng, có phân trường tiểu học kiên cố, 100% hộ dân sử dụng điện thắp sáng, đường giao thông được láng nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại và vận chuyển nông sản… Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu như hộ ông Lương Văn Hoán, Đặng Quý An, Hoàng Văn Khang, Bàn Nguyên Thành, Bàn Nguyên Ngân…
TẾT Ở LÀNG DAO
Đối với người Dao, trong năm có ba cái tết. Tết Thanh minh được phát âm theo tiếng Việt là “nhận thình mìn”, Tết rằm tháng bảy là “nhận chụp phẩy”, nhưng tết chính vẫn là Tết Nguyên đán được gọi là “nhận nhàng chụm”. Ông Bàn Nguyên Ngân cho biết, người Dao rất quan tâm đến việc thờ cúng tổ tiên, coi như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho gia đình. Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, các thành viên trong gia đình lại tổ chức lễ cúng tổ tiên tại nhà hoặc nhà ông trưởng họ. Khi vào vùng đất Phú Yên lập nghiệp, vì điều kiện xa xôi nên vài năm mới về nhà trưởng họ ở Lạng Sơn một lần.
Trong gia đình người Dao, từ 25 tháng Chạp âm lịch nhà nào cũng chuẩn bị lễ vật để cúng “ma nhà”. Họ quan niệm “ma nhà” gồm bố, mẹ, anh, chị em ruột đã mất, linh hồn người đã mất tác động đến đời sống của người còn sống, vì vậy việc thờ cúng được chuẩn bị rất chu đáo. Người Dao có một kiêng kỵ là ăn xong không được để đũa ngang chén vì họ quan niệm đó là chén cơm của nhà có người chết. Đêm 30 tết, chuẩn bị đón giao thừa, cả nhà mặc trang phục chỉnh tề đứng trước bàn thờ, thắp hương cúng tổ tiên, mời về ăn tết cùng con cháu và cầu mong phù hộ gia đình gặp nhiều may mắn. Lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm một con gà trống, bánh chưng, bánh dày cùng hoa quả và chén nước lạnh lấy từ suối đầu nguồn. Gia đình nào khá giả thì làm heo ăn tết chứ không cúng bái. Nghi lễ cúng đêm giao thừa không chỉ là lễ cầu mong những điều tốt lành trong năm mới, mà còn là dịp để con cháu trong gia đình tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ông bà phù hộ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Ea Ly, cho biết: “Xã Ea Ly hiện có 12 dân tộc anh em, sống đoàn kết và hòa thuận, cùng nhau làm ăn. Riêng đồng bào dân tộc Dao rất cần cù và chịu khó, nhiều mô hình phát triển kinh tế được bà con đầu tư và áp dụng thành công. Ruộng lúa nước của bà con người Dao có năng suất cao, nhiều hộ đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu”.
ANH NGỌC