Thứ Hai, 14/10/2024 06:17 SA
Công ty cổ phần VRG Phú Yên:
Còn nhiều vướng mắc trong phát triển cây cao su
Thứ Tư, 13/01/2010 16:00 CH

Ba năm thực hiện dự án trồng cao su tại Phú Yên, Công ty cổ phần VRG Phú Yên trồng chưa đến 160 ha. Mục tiêu trồng mới 4.000 ha đến năm 2012 của doanh nghiệp này khó thành hiện thực nếu vướng mắc trong đất đai không được giải quyết kịp thời.

 

cao-su-PY.100113.jpg

Chăm sóc cây cao su năm thứ 3 tại Xuân Quang 1- Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Theo quy hoạch vùng trồng cao su giai đoạn 2008 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt, diện tích trồng cao su của Phú Yên là 12.997,3 ha. Trên vùng quy hoạch đó, ngoài 1.859,4 ha cao su hiện có, sẽ trồng mới hơn 9.570 ha. Công ty cổ phần VRG Phú Yên được giao diện tích phát triển cao su lớn nhất với gần 5.570 ha, trong đó trồng mới 4.000 ha cao su tập trung (đại điền) trên địa bàn 9 xã miền núi thuộc 5 huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và Phú Hòa.

 

Năm 2007, trong thời gian lập quy hoạch, công ty được UBND tỉnh cho phép trồng thực nghiệm tập trung tại huyện Đồng Xuân với diện tích 45 ha tại xã Xuân Quang 1. Cùng với quy hoạch được phê duyệt, năm 2008, công ty trồng thêm 73 ha tại xã Sơn Định (Sơn Hòa). Năm 2009, công ty có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ trồng cao su trên nhiều vùng của tỉnh với mục tiêu trồng 500 ha. Tuy nhiên, kết thúc thời vụ trồng rừng, công ty chỉ trồng được 40 ha tại 2 xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) và Ea Ly (Sông Hinh).

 

Theo quy hoạch, diện tích trồng cao su đại điền của Công ty cổ phần VRG Phú Yên là đất lâm nghiệp mà hầu hết đều nằm trong lâm phần của các ban quản lý rừng phòng hộ. Kết quả thẩm định của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên cho thấy, đất quy hoạch sử dụng trồng cao su thuộc hạng đất loại II a, II b và III; hiện trạng gồm 824,9 ha đất trống, 1.453 ha đất trống có cây gỗ tái sinh, 644 ha đất có rừng trồng, 513 ha đất có rừng tự nhiên, 1.229 ha đất nương rẫy của dân. Về phía Công ty cổ phần VRG Phú Yên đã lập các dự án thành phần phát triển cây cao su đại điền giai đoạn 2009 - 2012 với mục tiêu trồng 4.000 ha tại 4 khu vực Sơn Định (Sơn Hòa); Ea Ly, Ea Lâm (Sông Hinh); Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (Tây Hòa); Phú Mỡ, Đa Lộc, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2 (Đồng Xuân). Riêng kế hoạch năm 2009, công ty trồng 500 ha cao su tại các xã Xuân Quang 1 (92 ha), Đa Lộc (292 ha) và Sơn Thành Tây (110 ha). Diện tích đó đều thuộc đất lâm nghiệp, đã được các BQL rừng phòng hộ địa phương thống nhất chuyển giao trồng cao su, nhưng quá trình bàn giao đất rất chậm chạp, còn nhiều ách tắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

 

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VRG Nguyễn Văn Thắng cho biết: Diện tích quy hoạch trồng cao su tại xã Đa Lộc có 292 ha là đất lâm nghiệp thuộc quyền sở hữu của BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân, nhưng trên thực tế có gần 200 ha đã bị người dân lấn chiếm trồng rừng. Để thu hồi diện tích này, công ty phối hợp với địa phương lập phương án hỗ trợ đền bù cho dân với số tiền gần 10 tỉ đồng, tính ra bình quân gần 50 triệu đồng/ha. Trong khi suất đầu tư trồng cao su chỉ cho phép 74,3 triệu đồng/ha, nếu hỗ trợ đền bù đến mức đó thì chúng tôi không còn kinh phí để đầu tư trồng cao su. Sự việc đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn tại xã Xuân Quang 2 có 92 ha đã được giao cho dân theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP, chưa thỏa thuận được phương án sử dụng đất với chính quyền địa phương và nhân dân nên chưa thể triển khai trồng cao su theo kế hoạch.

 

Tại xã Sơn Thành Tây, tiến độ có khá hơn, nhưng chúng tôi phải chờ BQL rừng phòng hộ Sông Con khai thác cây bạch đàn. Đến tháng 10 mới nhận bàn giao mặt bằng, trong khi trồng cao su thì thời vụ thích hợp (từ tháng 9 đến tháng 11) đã hết, nên chỉ khai hoang làm đất trồng được 30 ha.

 

Tại xã Ea Ly, diện tích quy hoạch trồng cao su giao cho công ty là 1.152 ha, trong đó có 85 ha đang thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Tuy chưa đưa vào kế hoạch trồng cao su năm 2009 nhưng được UBND huyện Sông Hinh tích cực ủng hộ, sớm giao đất nên công ty đã tiến hành khai hoang được 40 ha; song cũng do không kịp thời vụ nên chỉ trồng được 10 ha. Một điều đáng chú ý là những diện tích đã bàn giao mặt bằng đang được công ty tiến hành khai hoang thì có nơi chính quyền cơ sở kiến nghị thu hồi lại một phần diện tích để làm khu dân cư hoặc giao cho dân sản xuất nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến công tác trồng cao su của nhà đầu tư.

 

Công ty cổ phần VRG Phú Yên đã có kế hoạch huy động hơn 557 tỉ đồng để phát triển cao su tại Phú Yên. Nguồn vốn này, dùng để trồng cao su với suất đầu tư 74,3 triệu đồng/ha, công ty còn xây dựng các công trình hạ tầng như 28,7 km đường nội vùng, hệ thống nhà trạm, vườn ươm cây giống, 2 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 9.500 tấn/năm và một số công trình cấp nước sạch, trường học, lưới điện... phục vụ nhân dân trong vùng quy hoạch phát triển cao su của công ty. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện kế hoạch năm 2009 cho thấy, dự án trồng cao su đại điền đang đối mặt không ít khó khăn, nhất là giải quyết quỹ đất đai cho dự án còn nhiều bất cập.

 

Theo kế hoạch năm 2010, Công ty cổ phần VRG Phú Yên tiếp tục trồng mới 1.000 ha cao su, gấp 2 lần so với kế hoạch năm 2009. Nhưng với những vướng mắc về phương án thu hồi đất, tận thu lâm sản không được tháo gỡ, thì việc khai hoang, giải phóng mặt bằng khó bảo đảm và việc trồng cao su sẽ lập lại tình trạng như năm 2009. Nếu dự án trồng cao su không bảo đảm diện tích theo yêu cầu hoặc kéo dài không theo kế hoạch, thì nhà đầu tư sẽ tính toán lại việc đầu tư hạ tầng, năng lực chế biến. Lúc đó hiệu quả của dự án sẽ không đạt mục tiêu đề ra.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek