Thứ Ba, 15/10/2024 04:23 SA
Những thách thức trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước ở Phú Yên
Thứ Tư, 23/12/2009 18:00 CH

Phú Yên được đánh giá là một trong những tỉnh giàu tài nguyên nước, song việc quản lý, khai thác sử dụng còn có những bất cập dẫn đến nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Đây là vấn đề đang đặt ra với các ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ nguồn nước.

 

nuoc-nuoi-tom.091223.jpg

Nuôi tôm cao triều sử dụng nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước – Ảnh: N.T

 

NGUY CƠ THIẾU NƯỚC

 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phú Yên có lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2.145 mm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 5 con sông tương đối lớn và 21 sông nhánh cấp 1 và 18 sông nhánh cấp 3 với tổng lượng dòng chảy là 13,5 km3/năm, tương ứng với lưu lượng nước 429 m3/giây, trong đó gần 42% được sinh ra trong nội tỉnh. Về nước ngầm, Phú Yên có 6 tầng chứa với trữ lượng nước cho phép khai thác khoảng 936.000 m3/ngày. Riêng về nước mặt, mức bảo đảm nước bình quân cho một người dân khoảng 15.680 m3/năm. Dự báo đến năm 2020, dân số Phú Yên tăng lên trên 1.025.000 người thì nước bảo đảm giảm còn 13.170 m3/người/năm. Với mức nước bảo đảm trên thì Phú Yên thuộc loại cao so với trung bình của cả nước. (Theo chỉ tiêu phân loại của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia thiếu nước khi mức nước bảo đảm dưới 4.000 m3/người/năm.)

 

Tuy nhiên do địa hình Phú Yên có độ dốc lớn, đồng bằng trũng liền kề với núi cao, rừng bị tàn phá nặng, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên thường gây ra lũ lụt ở hầu hết các vùng dân cư khu vực hạ lưu. Ngược lại, trong mùa nắng, nước bốc hơi mạnh, khả năng giữ nước của lưu vực kém, sông suối thường cạn kiệt nên tình hình thiếu nước sinh hoạt và sản xuất diễn ra ở nhiều vùng núi, vùng ven biển. Ở những vùng này, mức bảo đảm nước chỉ đạt trên dưới 90% nhu cầu sử dụng, tức là trong từng tháng và từng năm thường xảy ra thiếu nước. Khi nền kinh tế phát triển sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng nước nên tình trạng thiếu nước sẽ nghiêm trọng hơn. Dự báo năm 2015 ở những khu vực miền núi, ven biển vào những tháng mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) thường có nhu cầu dùng nước tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng khác, khiến cho mức nước bảo đảm sẽ chỉ còn đáp ứng 60 - 70%. Do đó nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt rất có thể xảy ra.

 

VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

 

Ông Chế Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên cho biết: Lâu nay việc sử dụng nước do nhiều ngành quản lý, mỗi ngành có quy hoạch sử dụng riêng phục vụ lợi ích của ngành mình mà chưa quan tâm đến lợi ích của ngành khác. Như trên lưu vực sông Ba, các hồ thủy điện Sông Hinh, Krông H’năng, Sông Ba Hạ, An Khê - Kanak chủ yếu dùng chứa nước phát điện, dung tích chết của hồ quá lớn không đủ năng lực phòng chống lũ, điều hòa dòng chảy cho khu vực hạ du. Hiện nay trên lưu vực sông Ba chưa có quy tắc chia sẻ phân bổ tài nguyên nước cũng như quản lý vận hành thống nhất liên hồ nên chưa thể điều tiết nước trong phòng chống lũ lụt.

 

Do vậy, có thể nói công tác quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên nước đang là yêu cầu đặt ra bức thiết đối với ngành chức năng, từ đó xây dựng chiến lược “an ninh về nước” nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nước là tư liệu thiết yếu trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt đời sống, song đáng tiếc hiện nay, nhận thức về tài nguyên nước đối với nhiều người vẫn xem là của “trời cho” nên sử dụng một cách tùy tiện. Do vậy, trong khi tiến hành lập quy hoạch sử dụng và xây dựng chiến lược sử dụng và bảo vệ nguồn nước cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật về tài nguyên nước chưa hoàn chỉnh, chưa có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích cá nhân và tổ chức tham gia công tác bảo vệ các nguồn nước; chưa xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc bảo vệ, phát triển nguồn nước.

 

Nước chỉ được sử dụng hiệu quả khi được xem  là tài sản quốc gia, các hoạt động sử dụng nước phải trả tiền. Khi đó, tài nguyên nước chẳng những đem lại nguồn thu đáng kể mà quan trọng hơn, còn nâng cao ý thức bảo vệ, tiết kiệm trong quá trình khai thác, sử dụng. Đây là những vấn đề cần quan tâm trong việc xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

 

“Ngoài các hồ thủy điện, trên địa bàn tỉnh còn có 41 hồ chứa thủy lợi, 66 đập thủy lợi, 72 trạm bơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Về cấp nước sinh họat, toàn tỉnh có 7 nhà máy nước, mỗi ngày khai thác 35.000 m3 nước; 85 công trình nước sinh hoạt dân cư nông thôn và 250 công trình cấp nước cho trường học, trạm y tế; 14 doanh nghiệp sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho công tác khai thác, chế biến khoáng sản và 189 tổ chức, cá nhân có khai thác sử dụng nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân quản lý các công trình tuy được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép nhưng còn ở dạng giải quyết theo nhu cầu của đơn vị”.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek