Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên nhằm hướng đến một khu kinh tế tổng hợp, tạo động lực phát triển kinh tế cho Phú Yên và cả vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Cảng Vũng Rô - một trong những tâm điểm của khu kinh tế Nam Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT |
KHU KINH TẾ TỔNG HỢP
Theo quy hoạch chung, khu kinh tế Nam Phú Yên rộng 20.730ha, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông (TP Tuy Hòa), các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông, Hòa Vinh và một phần các xã Hòa Xuân Tây, Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Thành thuộc huyện Đông Hòa. Đến năm 2015, dự báo dân số khu vực này khoảng 185.000 người, nhu cầu sử dụng đất xây dựng khoảng 8.155ha.
Khu kinh tế Nam Phú Yên được định hướng xây dựng trong tương lai là một khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại làm động lực phát triển vùng Nam Trung bộ; là cửa ngõ hướng biển của vùng Tây Nguyên và các tỉnh nam Lào, cũng như đông bắc Campuchia và Thái Lan, đồng thời là trung tâm giao thương quốc tế lớn, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Các khu chức năng chính của khu kinh tế Nam Phú Yên là cảng biển, dịch vụ cảng biển; công nghiệp công nghệ cao; thương mại, dịch vụ, du lịch; các khu đô thị với hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật đầy đủ.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN
Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm các trục không gian theo quy hoạch tổng thể hạ tầng nam Tuy Hòa - Vũng Rô đã được phê duyệt, trong đó khu đô thị Nam Tuy Hòa nằm phía bắc sân bay Đông Tác giáp sông Đà Rằng; khu đô thị Hòa Vinh nằm dọc theo quốc lộ 1A từ quốc lộ 29 đến sông Bàn Thạch. Dọc biển là các khu dịch vụ hỗn hợp kết hợp với khu đô thị dịch vụ công nghiệp và khu dân cư hiện trạng kết hợp cải tạo mới (bao gồm các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam).
Khu phi thuế quan sẽ được bố trí tại xã Hòa Hiệp Nam; các khu công nghiệp bố trí từ xã Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm đến Vũng Rô liền kề với khu vực cảng Bãi Gốc và Vũng Rô. Khu dân cư hiện trạng được cải tạo kết hợp với vùng sinh thái nông nghiệp ven sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch. Các khu vực dọc theo triền sông Đà Rằng, Đà Nông và biển Hồ dưới chân đèo Cả là vùng cảnh quan môi trường sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch. Vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên bao gồm toàn bộ khu vực các núi Đá Bia, Hòn Bà, núi Vũng Rô và đèo Cả.
Khu phi thuế quan nằm tại xã Hòa Hiệp
Tại khu kinh tế Nam Phú Yên, các trung tâm công cộng, hành chính được bố trí xen kẽ với các khu đô thị và các khu chức năng chính gồm trung tâm hành chính được bố trí tại khu đô thị Hòa Vinh với diện tích từ 12 đến 15 ha; trung tâm tổng hợp quy mô từ 25 đến 30ha được xây dựng thành quần thể kiến trúc hiện đại làm biểu trưng cho đô thị Hòa Vinh; trung tâm đào tạo quy mô khoảng 30 đến 50ha dự kiến bố trí cạnh khu công nghiệp đa ngành, gần với khu tái định cư Hòa Tâm; các trung tâm y tế có quy mô khoảng từ 12 đến 18ha bao gồm 2 bệnh viện đa khoa và một số trung tâm y tế bố trí phân tán trong các khu vực dân cư...
Các khu du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái có quy mô khoảng 740ha bao gồm các khu du lịch dọc bờ biển, tổ hợp du lịch biển Hồ - Đập Hàn dưới chân đèo Cả kết hợp với các điểm di tích bao quanh hình thành nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, tham quan... Vùng cảnh quan bán ngập ven sông Đà Rằng, Đà Nông trong tương lai là vùng cảnh quan sinh thái đầm trũng ven sông kết hợp với dịch vụ du lịch. Vùng cây xanh sinh thái tập trung bảo vệ cảnh quan và rừng phòng hộ có quy mô khoảng 1.706ha bao gồm các dãy núi Hòn Bà, Đá Bia, Vũng Rô, đèo Cả... các khu rừng chống sóng ven biển.
PHÁT TRIỂN HOÀN CHỈNH HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Theo định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó giao thông đối ngoại có quốc lộ 1A trong tương lai sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc Bắc - Nam, đồng thời xây dựng quốc lộ 29 nối từ Hòa Hiệp Bắc qua Hòa Vinh, Hòa Tân Đông đi Tây Nguyên. Ngoài tuyến đường ven biển còn có hầm đường bộ đèo Cả, hầm qua đèo Cổ Mã. Đường sắt hiện nay sẽ được nâng cấp thành đường sắt cao tốc với quy mô đường đôi. Tuyến đường sắt Tuy Hòa đi Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 160km cũng được hình thành. Đường thủy có cảng Vũng Rô và cảng Bãi Gốc. Sân bay Tuy Hòa được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng đạt cấp 4C. Giao thông đối nội có đường chính nối với đường Hùng Vương cùng các tuyến đường nhánh. Hệ thống cấp nước, cấp điện, thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị được xây dựng đạt các tiêu chuẩn theo quy định, trong đó nhu cầu cấp nước khoảng 150.000m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Bàn Thạch; nguồn nước máy từ TP Tuy Hòa đưa sang được sử dụng cho khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 và phường Phú Lâm.
THANH HOÀI