Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên chạm mốc 9,99%/năm song vẫn rất khó huy động vốn. Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại tình trạng thiếu vốn có thể sẽ tái diễn.
Khách hàng giao dịch tại DongA Bank Phú Yên – Ảnh: Q.THUẦN
Gần một tháng qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên liên tục tăng lãi suất tiền gửi VND ở hầu hết các kỳ hạn. Trước tháng 8, tiền gửi ở các kỳ hạn phổ biến ở mức 7% - 8,5%/năm, nay đồng loạt tăng lên 8% - 9,99%/năm. Với sản phẩm “tiết kiệm siêu lãi suất” dành cho các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) có mức lãi suất lên đến 9,99%, cao nhất trong số các ngân hàng. Ông Nguyễn Nhất Tuấn, Phó giám đốc phòng giao dịch DongA Bank Phú Yên, cho biết lãi suất 9,99% - năm áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng. Việc tăng lãi suất lần này chủ yếu để giữ khách hàng, còn huy động thêm mới rất ít.
Lãi suất huy động VND tại Ngân hàng Thương mại Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang dao động 9,50% - 9,75% cho các kỳ hạn gửi 1- 13 tháng. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) áp dụng lãi suất các kỳ hạn cực ngắn 1 - 3 tuần tăng 0,3% - 0,8%/năm; kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lần lượt là 8,2%, 8,3%, 8,4%/năm.
Không chỉ khối ngân hàng thương mại cổ phần, khối ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang chạy đua lãi suất huy động VND. Bắt đầu từ ngày hôm nay (20/11), chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên triển khai chương trình mua kỳ phiếu kéo dài hai tháng với tổng mệnh giá lên tới 5.000 tỉ đồng. Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc Vietinbank Phú Yên, cho biết: “Ngoài việc hưởng lãi suất hấp dẫn 9,30%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 9,50% cho kỳ hạn 9 và 12 tháng, người gửi tiền còn được thưởng thêm lãi suất nếu gửi trên 50 triệu đồng và có cơ hộ trúng nhiều giải thưởng trị giá hàng tỉ đồng”. Còn lãi suất tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank), Đầu tư – Phát triển (BIDV) giao động ở mức 8,80% - 9,10%, tăng 02% so với đầu tháng 11.
Theo các ngân hàng, mặc dù tăng lãi suất nhưng việc thu hút nguồn vốn vẫn khó khăn do phần lớn khách hàng có tiền nhàn rỗi đầu tư vào vàng và chứng khoán. Nếu có huy động được vốn cũng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn 1- 6 tháng, vì thế trong cơ cấu tiền gửi tỉ lệ vốn không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn cao hơn tiền gửi dài hạn. Điều này buộc các ngân hàng phải dự trữ thanh toán lớn hơn nên thiếu chủ động nguồn vốn cho vay dài hạn cũng như dành vốn cho hoạt động kinh doanh khác. Thêm vào đó, việc tăng lãi suất huy động khiến cho độ “vênh” giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bị thu hẹp (lãi suất cho vay khống chế ở mức 10,5%/năm), đẩy các ngân hàng vào tình thế khó khăn trong việc cân đối lợi nhuận. Theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng, độ “vênh” lãi suất tối thiểu là 3%/năm thì ngân hàng mới có thể duy trì hoạt động. Vì thế, cuộc đua huy động hiện nay sẽ bóp ngẹt lợi nhuận từ “kênh” kinh doanh truyền thống của các ngân hàng. “Nếu không chạy theo cuộc đua tăng lãi suất huy động sẽ mất khách hàng, còn chạy theo thì chỉ có đường lỗ mà thôi” – ông Hiếu cho biết thêm.
Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên thừa nhận việc tăng lãi suất huy động đang đẩy các ngân hàng thương mại vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên sẽ không xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng trong những tháng cuối năm vì hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ ở mức 25%, trong khi đó nhiều ngân hàng đã vượt hạn mức này và đang rút vốn trở lại. Nguyên nhân hiện tượng tăng lãi suất huy động một phần là để giữ khách hàng và để thanh toán khoản vốn đã huy động trước đó nay đến kỳ đáo hạn.
Lường trước những khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo các ngân hàng thương mại phải tuân thủ hoạt động theo thị trường và đảm bảo các quy định an toàn tín dụng. Nhiều nhận định cho rằng, khả năng căng thẳng trong thanh khoản vốn ngắn hạn cho những tháng cuối năm 2009 và dịp Tết Canh Dần 2010 đang lộ dần. Áp lực vốn khiến các ngân hàng phải dự phòng trước.
Hiện lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 10 - 10,5%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến 14 - 16,5%/năm. Lãi suất cho vay USD của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến ở mức 3,5 - 5%/năm; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức 4,5 - 6%/năm đối với ngắn hạn và 6 - 7,5%/năm đối với trung, dài hạn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị các ngân hàng phải chú trọng tới chất lượng hoạt động và cân đối vốn cho những tháng cuối năm.
QUANG THUẦN