Việc mở đường bay Hà Nội - Tuy Hòa - Hà Nội là cơ hội thuận lợi để khai thác các sản phẩm du lịch hiện có của Phú Yên, khai thông thị trường du lịch phía Bắc, mở rộng đường tiếp cận để đưa khách quốc tế đến với Phú Yên và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ông Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên.
Thị xã Sông Cầu bên vịnh Xuân Đài - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
* Theo ông, việc mở đường bay này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Du lịch Phú Yên?
- Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Phú Yên đã nỗ lực mở đường bay thẳng Tuy Hòa – Hà Nội với 3 chuyến/tuần và áp dụng các giải pháp kích cầu để thu hút khách du lịch đến Phú Yên là điều rất đáng hoan nghênh. Đây là cơ hội thuận lợi để khai thác các sản phẩm du lịch hiện có của tỉnh, khai thông thị trường du lịch phía Bắc, mở rộng đường tiếp cận để đưa khách quốc tế đến với Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành hãy nắm bắt cơ hội này để tiếp cận với thị trường du lịch đầy tiềm năng của Phú Yên.
* Ông đánh giá như thế nào về du lịch Phú Yên?
- Qua các đợt tham quan, khảo sát, tôi nhận thấy Phú Yên có nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên, nhân văn phong phú và đa dạng, đặc biệt là các tài nguyên du lịch rất đặc trưng của Phú Yên. Đó là Gành Đá Dĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam; Bãi Môn – Mũi Điện là một trong những điểm đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền Việt Nam; đèo Cả - núi Đá Bia gắn với hành trình Nam tiến của vua Lê Thánh Tông; vịnh Vũng Rô gắn liền với lịch sử Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển; vịnh Xuân Đài là một vịnh đẹp gắn liền các sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Nam Trung Bộ; thành An Thổ là nơi sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; cao nguyên Vân Hòa được xem như Đà Lạt của Phú Yên; các loại nhạc cụ độc đáo như bộ đàn đá – kèn đá có niên đại trên 2.000 năm đã được đưa đi giới thiệu ở một số nước, thu hút sự quan tâm chú ý của khách du lịch và khán giả… Tuy nhiên, nhiều tài nguyên mới ở dạng tiềm năng, cần được đầu tư, khai thác xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Nhiều khu vực dọc bờ biển, đồng bằng, cao nguyên, đồi núi… đã hội đủ điều kiện để đầu tư xây dựng các dự án có quy mô lớn. Chính những điểm này là lợi thế của Phú Yên trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
* Phú Yên là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2011 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?
- Đây là cơ hội lớn để tỉnh Phú Yên tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cấp hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến kinh doanh tại Phú Yên. Tiềm năng du lịch Phú Yên nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ là rất lớn. Tuy nhiên, muốn du lịch phát triển cần có sự hỗ trợ và hợp tác từ các bộ, ngành liên quan, các hãng hàng không và các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp trong và ngoài ngành Du lịch hãy đến với Phú Yên để tìm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường, cùng với tỉnh Phú Yên phát triển du lịch, góp phần tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
* Để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có sự tác động như thế nào, thưa ông?
- Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trực tiếp làm trưởng ban với các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan và lãnh đạo các địa phương trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, đồng thời thành lập ban tổ chức để xây dựng kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị ngay từ năm 2009. Ngoài các sự kiện do tỉnh Phú Yên chủ động tổ chức, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc bộ phối hợp với địa phương tổ chức một số sự kiện tại Phú Yên, liên kết các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức thành các chuỗi sự kiện diễn ra trong năm. Đồng thời, đây cũng là sự kiện mà bộ sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục định hướng cho các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch lấy Phú Yên là điểm nhấn chính, từ đó lan tỏa ra cả khu vực: tour du lịch bằng đường hàng không Hà Nội – Phú Yên, tham quan các điểm du lịch tại Phú Yên, đi theo đường bộ đến Nha Trang hoặc Quy NHơn, Buôn Ma Thuột rồi bay về Hà Nội. Liên kết phát triển các tuyến du lịch đường bộ TP Hồ Chí Minh – Ninh Thuận – Phú Yên - Quảng Ngãi - Huế hoặc ngược lại. Tuyến TP Hồ Chí Minh – Ninh Thuận – Đà Lạt - Đắk Lắk – Gia Lai – Phú Yên – Khánh Hòa. Kéo dài các tour du lịch “caravan” từ thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu khu vực miền Trung - Tây nguyên đến Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
* Xin cảm ơn ông!
* ÔNG ĐỖ TRÍ SƠN – GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG – VẬN TẢI PHÚ YÊN: ĐƯỜNG BAY HÀ NỘI - TUY HÒA - HÀ NỘI GÓP PHẦN HOÀN THIỆN HỆ THỐNG GIAO THÔNG CỦA TỈNH Hiện nay Phú Yên đã có đường bộ là quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh, đường sắt nằm trong tuyến đường sắt Bắc -Nam, đường biển thông qua cảng Vũng Rô và một phần đường hàng không là đường bay TP Hồ Chí Minh – Tuy Hòa – TP Hồ Chí Minh. Hiệu quả mà hệ thống giao thông, nhất là đường hàng không mang lại là rất lớn. Từ khi đường bay TP Hồ Chí Minh – Tuy Hòa – TP Hồ Chí Minh được mở lại, nhiều ngành kinh tế của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư, du lịch đã thu được những kết quả tốt. Chính vì tầm quan trọng đó mà UBND tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải quyết tâm mở đường bay thẳng Hà Nội – Tuy Hòa và ngược lại. Hôm nay quyết tâm đó đã trở thành hiện thực. Từ nay Phú Yên sẽ dễ dàng, nhanh chóng kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước. Ngoài ra, việc có thêm đường bay này sẽ giúp hệ thống giao thông ở Phú Yên hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới, nhiều dự án lớn đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông sẽ được triển khai như hầm đường bộ đèo Cả; nâng cấp, mở rộng cảng Vũng Rô và xa hơn là đường sắt lên Tây Nguyên. Do vậy Sở Giao thông – Vận tải sẽ cố gắng duy trì đường bay Hà Nội – Tuy Hòa – Hà Nội; đồng thời tăng thêm tần suất trên đường bay TP Hồ Chí Minh – Tuy Hòa và ngược lại nhằm tạo điều kiện để tỉnh phát triển. * BÀ VÕ THỊ THANH – TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH VẬN TẢI VÀ THƯƠNG MẠI THUẬN THẢO: CÓ Theo tìm hiểu của tôi, rất nhiều khách du lịch, nhất là những người nước ngoài đang công tác tại Hà Nội, lâu nay muốn tìm đến Phú Yên để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên còn hoang sơ, nhưng do chưa có đường bay nên đành gác lại ý định. Đường bay Hà Nội – Tuy Hòa và ngược lại đi vào hoạt động là cơ hội tốt để du khách thỏa mãn mong muốn của mình. Và như vậy, các cơ sở lưu trú của tỉnh, đặc biệt là những khách sạn cao cấp như CenDuluxe 5 sao của Thuận Thảo được đón thêm nhiều khách quốc tế. Đồng thời, nhiều hội thảo quốc tế, hội nghị của các bộ, ngành Trung ương có điều kiện đưa về tổ chức ở Phú Yên, qua đó tỉnh nhà có điều kiện giới thiệu bộ mặt của mình với bạn bè gần xa. Đường bay thẳng Hà Nội – Tuy Hòa – Hà Nội còn tạo điều kiện thuận lợi cho những ai có ý định đi ra nước ngoài theo đường hàng không. Từ trước đến giờ muốn đi Hà Nội để bay ra nước ngoài phải vào sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) hoặc ra Phù Cát (Bình Định), vừa mất thời gian vừa tốn kém thêm chi phí. Nay hành khách có thể chủ động đặt vé bay thẳng ra Hà Nội để đi nước ngoài mà không cần phải chờ như trước đây. Ngoài ra, việc vận chuyển tài liệu, thư tín, ấn phẩm… từ một trung tâm kinh tế chính trị lớn như Hà Nội về Phú Yên sẽ nhanh chóng hơn, tạo điều kiện cho việc giao thương, giao lưu văn hóa. * ÔNG RUDY VAN BORK – TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH LAPERLA-TASKEEN: ĐƯỜNG BAY HÀ NỘI - TUY HÒA - HÀ NỘI LÀ CẦU NỐI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ PHÚ YÊN VỚI CÁC TỈNH PHÍA BẮC Là một doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Phú Yên, chúng tôi thực sự vui mừng chào đón chuyến đầu tiên của đường bay Hà Nội – Tuy Hòa – Hà Nội. Đây là một sự kiện trọng đại không chỉ riêng cho Phú Yên mà cả với những nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi, vì đường bay này sẽ góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch của tỉnh. Bên cạnh những hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư khác, việc mở thêm một đường bay với Hà Nội cho thấy Phú Yên đã nhận được sự quan tâm đúng mức của Trung ương trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Phú Yên đang đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và đường bay Hà Nội – Tuy Hòa – Hà Nội sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư tại Phú Yên với các nhà đầu tư phía Bắc, tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu tư khi quyết định chọn Phú Yên làm địa chỉ đầu tư mới, đồng thời sẽ đưa những sản phẩm là thế mạnh của Phú Yên đến với cả nước và bạn bè quốc tế. Cùng với đường bay TP Hồ Chí Minh – Tuy Hòa và ngược lại, đường bay Hà Nội – Tuy Hòa – Hà Nội sẽ tạo thành một đường bay thông suốt cho Phú Yên và du khách trong hành trình xuyên Việt có thể chọn Phú Yên làm điểm dừng chân nghỉ ngơi, tham quan. HÒAI TRUNG (thực hiện)
MINH CHÂU (thực hiện)