Chính sách tín dụng kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng của Chính phủ đang phát huy tác dụng, góp phần chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, cần tháo gỡ những vướng mắc.
Agribank TX Sông Cầu đã cho người dân vay đầu tư vào vùng nuôi tôm hùm gần 200 tỉ đồng – Ảnh: Q.THUẦN
“BÀ ĐỠ” CHO DOANH NGHIỆP VÀ HỘ SẢN XUẤT
Sau hơn bảy tháng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, đến nay nguồn vốn của các ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã cung ứng ra thị trường trên 2.600 tỉ đồng với khoảng 37.000 khách hàng vay. Cơ chế hỗ trợ 4% lãi suất/năm đã góp phần đáng kể vào việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tái cơ cấu lại nguồn vốn, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, thông qua cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng đã kích thích các ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng, đồng thời nâng cao vị thế và hình ảnh thương hiệu của mình trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong tình hình nền kinh tế nước ta đang chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế thế giới. Đại diện Công ty TNHH Thiên Tân (TP Tuy Hòa) cho biết: “Việc Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất là giải pháp hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay của chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) Phú Yên mà công ty có thêm nguồn vốn để thực hiện các hợp đồng với đối tác.
Không chỉ có doanh nghiệp, hàng chục vạn hộ sản xuất trên địa bàn Phú Yên cũng rất phấn khởi trước chính sách kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vốn vay của Chính phủ. Ông Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) cho biết: “Dịch bệnh trên tôm hùm xảy ra mấy năm liên tiếp khiến cho gia đình tôi “cụt” vốn. Nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, gia đình tôi đã mạnh dạn vay ở chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) TX Sông Cầu 800 triệu đồng để nuôi tôm hùm. Lãi suất thấp đã phần nào giảm được chi phí sản xuất. Đợt bão số 9 vừa rồi, các lồng nuôi tôm của tôi ở vùng an toàn nên vụ này dự kiến tôi sẽ thu về khoản lợi nhuận trên 500 triệu đồng”.
Chính sách tín dụng kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vốn vay đã góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009. Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP của Phú Yên trong quý I đạt dưới 10%, thì đến quý III đạt 11,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp đạt mức tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị dịch vụ tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
CẦN TIẾP TỤC THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC
Trong quá trình thực hiện cho vay vốn hỗ trợ lãi suất đã phát sinh nhiều thắc mắc của đối tượng được thụ hưởng chính sách này, nhất là về thủ tục cho vay. Mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng rất đa dạng, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn mới theo cơ chế hội nhập và chủ trương xã hội hóa ở một số lĩnh vực, nhưng lại chưa được hướng dẫn phân loại theo ngành kinh tế, do đó các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, hoặc nhầm lẫn về đối tượng hỗ trợ lãi suất khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Đối với nguồn vốn trung và dài hạn cho vay theo Quyết định 443 của Thủ tướng Chính phủ, do thời hạn giải ngân chỉ đến hết năm 2009 nên có nhiều doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được gói kích cầu này do còn đang trong giai đoạn lập dự án sản xuất – kinh doanh. Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, nhưng do đã vay vốn trước tháng 2/2009 khi chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất, nên khi đến hạn thanh toán món vay cũ để vay vốn mới thì thời gian được hỗ trợ lãi suất đã kết thúc. Ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc DNTN Minh Hòa (khu công nghiệp An Phú) ý kiến, nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục đáng kể, chứng tỏ hiệu quả của giải pháp kích cầu, do vậy Nhà nước cần bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thêm 1 – 2 năm nữa.
Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà ở khu vực nông thôn ban hành sau Quyết định 443 nên tiến độ giải ngân chậm do có sự trùng lắp về đối tượng vay vốn giữa hai quyết định này. Đến nay, doanh số cho vay vốn theo Quyết định 497 trên địa bàn tỉnh chỉ mới được trên 16 tỉ đồng. Quy định mức tiền vay đối với việc mua vật tư nông nghiệp không quá 7 triệu đồng/ha không phù hợp với điều kiện canh tác, chăm sóc cây trồng của nông dân Phú Yên… Điều đó khiến nhiều khách hàng thuộc đối tượng vay vốn hỗ trợ lãi suất, nhất là hộ nông dân còn e ngại khi vay vốn theo chính sách này.
Mặc dù còn một số tồn tại, bất cập, nhưng nhìn ở góc độ tổng thể, thì chính sách tín dụng kích cầu đã đạt được mục tiêu đề ra là góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội. Để có được kết quả này, theo ông Nguyễn Duy Hiệu – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên - sau khi Chính phủ ban hành các chính sách kích cầu, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng tổ chức, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, đáp ứng kịp thời vốn vay của các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Việc cho vay tiến hành công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, bảo đảm đúng đối tượng theo quy định. Qua thanh, kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào có sự cấu kết giữa cán bộ ngân hàng và người vay lợi dụng chính sách hỗ trợ lãi suất để trục lợi. Những vướng mắc nêu trên Ngân hàng Nhà nước Việt
QUANG THUẦN