Cộng đồng châu Âu và Chính phủ Việt Nam đang thực hiện dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam thông qua Hiệp định tài chính với tổng kinh phí 12 triệu Euro, trong đó, Cộng đồng châu Âu tài trợ 10,8 triệu Euro và phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 1,2 triệu Euro. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Trần Tiến Nghị - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt
Bộ phận lễ tân khách sạn CenDuluxe (Thuận Thảo) đón tiếp khách - Ảnh: M.NGUYỆT
* Ông có thể giới thiệu qua dự án Phát triển nguồn nhân lực Việt
- Dự án nhằm nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Du lịch Việt Nam, giúp Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có khả năng duy trì bền vững chất lượng và số lượng đào tạo sau khi dự án kết thúc. Các đối tượng được hưởng lợi của dự án rất đa dạng, bao gồm: nhân viên lao động nghề, giáo viên và đào tạo viên, trường du lịch, doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, bộ ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương, người có liên quan phục vụ khách du lịch, khách du lịch quốc tế và nội địa.
Các hoạt động của dự án gồm: Tăng cường thể chế như đưa ra cơ cấu hỗ trợ thể chế và hệ thống đào tạo, giúp ngành du lịch triển khai một hệ thống công nhận kỹ năng nghề. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chứng chỉ gồm xây dựng 13 tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch. Chương trình phát triển đào tạo viên tạo ra một đội ngũ đào tạo viên được công nhận tại các trường và các doanh nghiệp trên toàn quốc. Dự án còn tham gia các hoạt động du lịch trong khu vực ASEAN nhằm đạt được lợi thế khi so sánh về tiêu chuẩn nghề và chất lượng dịch vụ du lịch, tham dự các hội nghị du lịch quan trọng của khu vực và phát triển các chương trình tiếp thị có tính cạnh tranh của Việt Nam đến các thị trường nguồn ở châu Âu. Chương trình đào tạo quản lý du lịch giúp hỗ trợ các cán bộ quản lý du lịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gián tiếp tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch.
* Chương trình phát triển đào tạo viên cụ thể ra sao?
- Chương trình này được thiết kế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ nghiệp vụ của nhân viên tại nơi làm việc, nhằm phục vụ các cán bộ và nhân viên có kinh nghiệm lâu năm như trưởng bộ phận, giám sát, quản lý, giáo viên hiện đang chịu trách nhiệm thực hiện công tác đào tạo trong ngành du lịch và các cơ sở đào tạo. Chương trình sẽ giúp nâng cao kỹ năng nghề của các đào tạo viên và mang lại dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng. Trong chương trình, các học viên thông qua thảo luận nhóm, các bài thực hành hoặc màn tính tương tác sẽ học hỏi phương pháp xác định nhu cầu đào tạo, lập kế hoạch cho một tiết học, truyền thụ kỹ năng, kiến thức và thái độ phục vụ cho các nhân viên sơ cấp hoặc sinh viên một cách bài bản sử dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam cũng như đánh giá hiệu quả của lớp học. Chương trình dành 60% thời gian cho các nội dung như thực hành các kỹ năng đào tạo, phương pháp dạy thực hành, phương pháp dạy lý thuyết và cầm tay chỉ việc để giúp học viên có thể tổ chức khóa học ở nơi làm việc.
* Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt
- Một trong những hoạt động chính của dự án là xây dựng và triển khai hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS). VTOS nhằm nâng cấp và chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch là những kỹ năng cơ bản mà người lao động phải có để thực hiện có hiệu quả công việc của mình, là tiêu chuẩn để đánh giá trình độ nghiệp vụ của lao động trong ngành du lịch. Những tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở phân tích và thiết lập những nhiệm vụ mà người lao động phải thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của một công việc nào đó. Các tiêu chuẩn nghề này có thể so sánh được với tiêu chuẩn quốc tế.
Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VIệt Nam nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của người lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Người lao động được nâng cao kỹ năng nghề và được cấp chứng chỉ, nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên tại doanh nghiệp.
* Để làm tốt công tác đào tạo tại chỗ, theo ông, cần phải như thế nào?
- Trước hết, giám đốc doanh nghiệp phải quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và phải nhận thức được vị trí cũng như tầm quan trọng của công tác đào tạo. Người lao động phải nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo tại chỗ. VTOS sẽ dần dần đưa vào các quy định, các tiêu chuẩn. Có VTOS, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu này, yêu cầu khác. Hiện nay, đào tạo viên chỉ có ở 44/63 tỉnh, thành phố. Do vậy, còn rất nhiều địa phương chưa có đào tạo viên, ngay cả trong một cơ sở kinh doanh du lịch về khách sạn cũng không có đủ 9 nghề với 9 đào tạo viên hoặc đơn vị kinh doanh lữ hành không thể có đầy đủ 4 nghề với đào tạo viên. Vì vậy chúng ta phải nhân rộng đào tạo viên trong tương lai. Phải có một tổ chức đứng ra quản lý, có cơ chế sử dụng đội ngũ đào tạo viên này là một yêu cầu rất quan trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục nhân rộng kết quả của dự án này đối với ngành Du lịch.
* Để chuẩn bị tổ chức năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch được triển khai ra sao?
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam với tư cách là một cơ quan đại diện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, xin cam kết với Phú Yên, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình, trước hết về công tác đào tạo nguồn nhân lực mà chủ yếu là đào tạo ngắn ngày, tại chỗ để đáp ứng những yêu cầu trước mắt. Về lâu dài, đào tạo nguồn nhân lực du lịch sẽ được tính đến trong các chiến lược cũng như các quy hoạch phát triển của ngành.
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)