Bão số 9 đi qua để lại nhiều khó khăn đối với người nuôi tôm hùm TX Sông Cầu. Hàng trăm lồng, bè nuôi tôm đã bị sóng biển đánh trôi. Tôm hùm thương phẩm đến kỳ thu hoạch thoát ra ngoài khiến người nuôi trắng tay, nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần. Làm thế nào để tái sản xuất và phòng tránh những đợt bão tiếp theo khi vẫn còn hàng nghìn lồng tôm hùm đang trên biển?
Người dân xã Xuân Phương, TX Sông Cầu nhặt lại những lồng tôm bị sóng biển đánh méo mó - Ảnh: L.BIẾT |
NGỔN NGANG SAU BÃO
Cho đến hôm nay, những con đường dẫn về các vùng nuôi tôm hùm xã Xuân Phương, TX Sông Cầu vẫn còn chất đầy lồng, bè bị hư hỏng. Những chiếc lồng tôm hùm vuông vức bị sóng đánh gãy, dúm dó, có chiếc như một đống bùi nhùi; những chiếc lều bằng gỗ trên các bè giờ cũng chỉ còn lại những thanh gỗ chỏng chơ, xộc xệch cùng vài chiếc bù lon còn sót lại. Bão số 9 vừa qua, toàn tỉnh Phú Yên bị thiệt hại khoảng 34 tỉ đồng, thì riêng tại xã Xuân Phương đã thiệt hại hơn 30 tỉ đồng mà chủ yếu thiệt hại về tôm hùm. 169 bè tôm hùm, trong đó thôn Dân Phú 1 có 60 bè, Dân Phú 2 có 109 bè với khoảng 2.000 lồng chứa trên 100.000 con tôm hùm có trọng lượng từ 0,4 – 0,6 kg/con đã bị sổng lồng, ra biển.
Ông Lê Minh Đào là một trong hàng trăm người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương bị thiệt hại nặng do bão số 9 gây ra. Ông Đào cho biết: Hơn 1.100 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch đã thoát ra ngoài. Chiếc bè nuôi trị giá 100 triệu đồng cũng bị bão đánh tan tành. Ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Đây là thiệt hại chỉ tính vốn đầu tư, nếu tính lượng tôm hùm đến kỳ thu hoạch đang được mua với giá 700.000 đồng/kg như hiện nay, thì mức thiệt hại không dưới 500 triệu đồng.
Còn ông Nguyễn Văn Thiện ở thôn Dân Phú 1 chỉ tay về phía những lồng nuôi tôm hùm bị sóng cuốn méo mó không còn hình thù, chiếc bè thì chỉ còn vài thanh gỗ và vài chiếc thùng phuy nhựa còn sót lại thở dài: “Giờ phải chạy đôn chạy đáo để tìm thợ sửa lại bè mà đưa những con tôm còn sót lại vào nuôi may ra mới lấy lại được ít vốn. Của nả làm cả năm nay chỉ một đêm đã thành bọt biển hết rồi...!”
Trong số những hộ bị thiệt hại do bão số 9 gây ra có những hộ bị trắng tay vì bao nhiêu vốn liếng của gia đình và cả vốn vay đều dồn vào chiếc bè tôm. Sóng đánh, tôm mất, lồng hư... nhiều hộ không còn khả năng tái sản xuất. Hộ ông Đoàn Văn Lai là một ví dụ. Vốn liếng của gia đình cộng với số tiền vay ngân hàng 50 triệu đồng đến cuối năm nay đến hạn trả nợ. Cả gia đình đang ngó chừng vào bè nuôi 300 con tôm hùm nhưng cơn bão số 9 đi qua, những gì gia đình ông còn nhặt lại được chỉ là những tấm lưới rách, những chiếc lồng xiêu vẹo. 300 con tôm hùm mỗi con nặng từ 0,7 – 0,8 kg đã theo sóng biển, để lại cho ông nỗi lo nợ nần và những ngày thiếu ăn sắp tới.
Ngư dân Sông Cầu sửa lại bè nuôi tôm hùm bị bão 2009 làm hỏng - Ảnh: L.BIẾT |
KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, CÁCH NÀO?
Lúc này, những hộ nuôi tôm hùm xã Xuân Phương đang cố gắng khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra. Những bè tôm bị sóng đánh vỡ đã được bà con kéo vào bờ và dựng lại. Họ tận dụng những chiếc lồng bị vỡ bằng cách thuê thợ sắt gò lồng, vá lại lưới và tập trung lắp lại các bè đã hư hỏng. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi tôm hùm đều vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất nên việc khắc phục đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Ngọc - Chánh Văn phòng UBND xã Xuân Phương, cho biết: “Hiện tại song song với thống kê nắm chắc số hộ thiệt hại và hoàn cảnh của từng hộ để kiến nghị các cấp có biện pháp hỗ trợ, chính quyền xã vận động nhân dân tự giác trả lại các vật dụng đã nhặt được nếu không phải của mình; giúp nhau ngày công để tu sửa và củng cố lại lồng bè, chuẩn bị ứng phó với các đợt bão tiếp theo”. Ông Tô Thanh Hóa - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) TX Sông Cầu cho biết: “Hiện tại ngân hàng đã cho cán bộ điều tra nắm lại mức độ thiệt hại để quyết định phương án cho vay mới hoặc khoanh nợ cho phù hợp. Quan điểm của ngân hàng là không để nhân dân thiếu vốn tái sản xuất. Khó khăn lớn nhất hiện nay là do yêu cầu thắt chặt tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ khống chế mức tăng trưởng dư nợ đối với các ngân hàng thương mại không quá 25%, trong khi đó, từ đầu năm đến nay dư nợ của chi nhánh đã vượt mức quy định 275 tỉ đồng. Không những không còn hạn mức để cho vay mà còn phải rút dư nợ xuống mức dưới 260 tỉ đồng. Nếu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì rõ ràng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu vốn tái sản xuất cho người dân bị thiệt hại sau bão số 9. Chúng tôi kiến nghị ngân hàng cấp trên cần có cơ chế linh hoạt và mở rộng biên độ tín dụng cho Agribank Sông Cầu thì mới mong tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhân dân bị thiệt hại”.
KINH NGHIỆM TỪ BÃO SỐ 9
Cũng từ cơn bão số 9, nhiều vấn đề trong phòng tránh bão cho vùng nuôi thủy sản một lần nữa lại đặt ra. Theo người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, đây là lần đầu tiên trong gần 10 năm trở lại đây, những người nuôi ở Vũng Chào và Vũng Me bị thiệt hại nặng nề do bão. Tuy Phú Yên chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng nhưng mức độ thiệt hại là rất lớn và một bộ phận không nhỏ bà con tỏ ra chủ quan trong phòng tránh bão. Ông Lê Minh Đào, người nuôi tôm nhiều kinh nghiệm, cũng là người bị thiệt hại nặng nhất lý giải: Từ trước đến nay, khu vực nuôi tôm Vũng Chào là vùng kín gió, là điểm để những vùng nuôi khác di dời lồng bè tôm hùm về đây trú bão. Nhưng lần này bão ở hướng ngược lại, nghĩa là bão không thổi từ phía Bắc mà lại thổi từ phía
Ông Lê Văn Ngọc - Chánh văn phòng UBND xã Xuân Phương cũng cho biết: Khi mất điện, đài truyền thanh xã không hoạt động được nên không thể mở đài thông báo cho bà con tình hình bão. Rút kinh nghiệm trong cơn bão số 9, chúng tôi đã trang bị những loa tay cho các thôn, khi có mưa bão xảy ra sẽ trực tiếp thông báo xuống từng khu dân cư để nhân dân nắm được và chủ động phòng tránh.
Dự báo thời gian tới, Phú Yên có thể bị ảnh hưởng nhiều cơn bão và áp thấp nữa. Khoảng 30.000 lồng tôm hùm với giá trị hàng trăm tỉ đồng ở đây vẫn đang dập dềnh trên sóng. Những kinh nghiệm trong phòng tránh bão cho con tôm hùm tại vùng nuôi tôm hùm Xuân Phương rất cần được nhắc lại, một khi chủ động các phương án phòng tránh thì sẽ giảm được thiệt hại. Ngoài ra, những hộ nuôi tôm hùm đang mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng và chính quyền địa phương để tái sản xuất, ổn định cuộc sống sau thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 9.
LÊ BIẾT