Sau những cơn mưa vào đầu tháng 10 vừa qua, nông dân huyện Đồng Xuân đổ xô đến các vườn ươm giống cây lâm nghiệp mua cây giống. Rừng kinh tế đang chiếm lĩnh hầu hết các vùng gò đồi ở huyện miền núi này.
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp ở huyện Đồng Xuân – Ảnh: H.NAM |
Mùa trồng rừng kinh tế năm 2008, trên địa bàn huyện Đồng Xuân, cây giống lâm nghiệp cung không đủ cầu. Ông Trần Hữu Qua - chủ vườn ươm ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước) - cho biết: “Tôi gieo ươm gần 1 triệu cây. Đây là lần đầu tiên tôi thử gieo ươm, tưởng bán không hết, ai ngờ mới đợt mưa đầu mùa đã bán sạch”.
Năm nay, sau những cơn mưa vào đầu tháng 10 vừa qua, hàng trăm nông dân đổ xô đến các vườn ươm mua giống cây lâm nghiệp về trồng rừng. Vườn ươm giống cây lâm nghiệp thôn Long An (thị trấn La Hai) gieo ươm gần 5 triệu cây giống, đã bán được gần phân nửa. So với năm ngoái, giá cây giống lâm nghiệp năm nay không tăng mấy, dao động từ 400 - 600 đồng/cây, tùy loại. Bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Xuân Quang 3 vừa trồng xong gần 1ha rừng với hai loại cây bạch đàn và keo lá tràm tại khu vực Hóc Tre (thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3), nói: “Trước đây, tôi mua lại khoảnh đất khai hoang của người quen. Qua một thời gian trồng sắn, mía, đất bị rửa trôi. Nếu tiếp tục trồng sắn, mía phải tăng đầu tư, trong khi giá phân bón tăng cao như hiện nay thì lỗ là cầm chắc. Vì vậy vợ chồng tôi chuyển sang trồng rừng kinh tế”.
Trồng rừng kinh tế đang trở thành phong trào rộng khắp ở Đồng Xuân. Nông dân các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 không chỉ trồng ở khu vực gần mà còn đi đến các vùng núi xa như Vùng 13 (xã An Nghiệp, huyện Tuy An) và khu vực Vườn Táo (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) mua đất bạc màu trồng rừng kinh tế. Hiện tại, các khu vực này cũng đã phủ màu xanh cây lâm nghiệp. Mùa mưa năm nay, tại vùng 13 núi đồi heo hút, ông Trần Văn Thọ ở xã Xuân Phước và bà Nguyễn Thị Nga ở xã Xuân Quang 3 đã chuẩn bị đất trồng gần 20 ha rừng. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, trong hai năm 2007-2008, nông dân trồng được hơn 10,7 triệu cây phân tán các loại.
Rừng kinh tế đã mang lại hiệu quả cho nhiều hộ nông dân. Hộ ông Phan Lộc ở khu phố Long Châu (thị trấn La Hai) đầu tư xây dựng trang trại trồng rừng kinh tế trên diện tích 50 ha, trong đó trồng 40 ha cây keo lai và 10 ha điều cao sản, hiện tại cây trồng đã được 3-5 năm tuổi, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông La Văn Lung ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh) có 15 ha, ban đầu trồng sắn, mía sau đó trồng cây lâm nghiệp theo kiểu cuốn chiếu (sắn mía thu hẹp dần cây lâm nghiệp thế chân vào). Mô hình này kết hợp chăn nuôi bò mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, riêng “tài sản” cây rừng trên 50 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân Nguyễn Thái Bình cho biết: “Phong trào trồng rừng kinh tế hiện nay đã huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Sắp đến, Hội Nông dân huyện phối hợp các ngành chức năng phổ biến các biện pháp kỹ thuật trồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho hội viên nông dân”. Hội Nông dân huyện Đồng Xuân phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khuyến khích thành lập trang trại phát triển theo hướng nông - lâm kết hợp, đồng thời khuyến khích nông dân trồng rừng trên diện tích đất bạc màu, rửa trôi.
MẠNH HOÀI