Thứ Hai, 07/10/2024 21:30 CH
Nuôi đà điểu, nghề mới nhiều triển vọng
Thứ Bảy, 12/09/2009 15:00 CH

Là đối tượng dễ nuôi, giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ nông dân ở huyện Sông Hinh mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi đà điểu thương phẩm. Đối tượng vật nuôi này đang mở ra hướng làm ăn mới nhiều triển vọng đối với nông dân Phú Yên.

 

dadieu1090912.jpg

Đàn đà điểu của ông Nguyễn Thành Sơn ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) - Ảnh: A.NGỌC

 

Năm 2007, mô hình nuôi đà điểu thương phẩm bắt đầu triển khai tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Phú Yên. Với “máu” thích nuôi con vật lạ, ông Nguyễn Đình Sơn ở buôn Dành B, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) quyết định tận dụng khu vườn nhà nuôi thử loại vật nuôi này. Ông Sơn cho biết: “Nghe giới thiệu mô hình nuôi đà điểu tôi rất thích, nhưng ngặt một nỗi con giống rất đắt, trong khi lại không biết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Được Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa (Khánh Hòa) hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm tôi mới mạnh dạn nuôi”. Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa thuộc Tổng công ty Khánh Việt là nơi bán con giống, chuyển giao kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng - chữa bệnh, phối trộn thức ăn tinh và trồng các loại cỏ để cung cấp thức ăn cho đà điểu. Đồng thời, trung tâm này còn ký hợp đồng với người chăn nuôi cung cấp thức ăn tinh tổng hợp và bao tiêu sản phẩm…

 

Được hướng dẫn cặn kẽ về kỹ thuật, ông Sơn mua 10 con giống đà điểu ba tháng tuổi với giá 1,5 triệu đồng/con về nuôi. Ông Sơn tiết lộ: “Nuôi một loài động vật lạ ban đầu tôi rất lo lắng, nhất là khi chúng biếng ăn, có biểu hiện ốm, hoặc những đợt dịch cúm gia cầm hoành hành ở các nơi. Lúc đó cả nhà lo đến mất ăn, mất ngủ vì vốn đầu tư lớn, không may sẽ trắng tay. Nhưng nhờ được chăm sóc và tiêm phòng theo đúng quy trình kỹ thuật nên 10 con đà điểu lớn nhanh và không hề mắc bệnh gì”. Do mới nuôi, chưa có kinh nghiệm nên sau 9 tháng nuôi đàn đà điểu hao hụt hết 3 con, chúng chết không phải bị bệnh mà do nuốt phải vật nhọn như cành cây, đá nhọn… Khi xuất chuồng, bảy con còn lại, bình quân mỗi con nặng từ 130 – 140kg. Với giá bán theo hợp đồng 42.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông Sơn lãi hơn 20 triệu đồng. “Vạn sự khởi đầu nan” thuận lợi, ông Sơn đang làm thủ tục vay ngân hàng 100 triệu đồng để mở rộng chuồng trại và mua con giống nuôi với số lượng lớn.

 

Đầu năm 2009, gia đình ông Nguyễn Thành Sơn ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) tận dụng diện tích đất trang trại và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào xây dựng chuồng trại nuôi 20 con đà điểu. Khi chúng tôi đến thăm trang trại thì đàn đà điểu của ông Nguyễn Thành Sơn đã hơn ba tháng tuổi, mỗi con nặng khoảng 45kg. Ông Nguyễn Thành Sơn cho biết: “Đà điểu là động vật hoang dã thích chạy nên khi xây dựng chuồng trại phải có sân rộng để chúng tự do “chơi”. Sân phải bằng phẳng vừa có thảm cỏ, vừa có chỗ rải cát. Ngoài ra trong chuồng phải dọn sạch những vật nhọn như cành cây, những viên đá có góc cạnh… vì đà điểu ăn bất cứ vật gì mà chúng bắt gặp. Nếu ăn phải những vật nhọn thì đà điểu rất dễ bị vật nhọn cản lại ở cổ và dẫn đến chết. Khẩu phần ăn của đà điểu nuôi thịt tăng theo tháng tuổi và trọng lượng cơ thể, thức ăn khô, xơ chiếm tới 60% gồm: bắp xay, bột sắn, cám gạo, bột cá khô, khô bánh dầu, bột đậu nành… Ngoài ra còn cho đà điểu ăn bổ sung rau, cỏ xanh”.

 

Ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa cho biết: Năm 2008, trung tâm này cung cấp ra thị trường khoảng 11.000 con giống và năm 2009 dự kiến sẽ cung cấp khoảng 16.000 con giống. Trung tâm chuyển giao kỹ thuật nuôi đà điểu cho nông dân và thành lập các trạm chuyển giao vệ tinh để cán bộ kỹ thuật đến từng hộ để tư vấn, hướng dẫn cách thức chăn nuôi, cũng như phòng và trị bệnh cho đà điểu”.

 

ANH NGỌC

 

Nguồn gốc của đà điểu sống chủ yếu ở châu Phi, với tên gọi khoa học là Struthio camelus, được gọi nôm na là chim lạc đà vì khi nhìn đà điểu, người ta thấy giống con lạc đà có cánh. Một con đà điểu trưởng thành nặng khoảng 120 - 150kg. Ở châu Phi, đà điểu sống hoang dã, chạy nhanh đến 65km/h, con người có thể cưỡi chúng. Cánh của đà điểu nhỏ nên chúng không bay được, đôi chân thì dài lênh khênh với 2 móng giúp chúng bám mặt đất khi chạy. Do đà điểu không có răng, lại là loài ăn cỏ nên thường vùi đầu vào cát để tìm những viên sỏi nhỏ, nuốt vào dạ dày để giúp chúng nghiền nát cỏ và thức ăn mà chúng đã ăn... Vì giá trị kinh tế rất cao nên hiện nay nhiều hộ gia đình chọn đà điểu là đối tượng để nuôi kinh tế. Thịt của chúng giống như thịt bò, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Da và lông được dùng làm hàng mỹ nghệ và các công dụng khác nên có giá trị rất cao. Hiện nay trên thế giới đã có trên 50 nước chọn đà điểu làm vật nuôi.

                 

 (Nguồn: Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek