Thứ Hai, 30/09/2024 12:30 CH
Đoàn Địa chất thủy văn – Địa chất công trình 703:
30 năm trưởng thành trên đất miền trung
Thứ Ba, 20/06/2006 08:29 SA

Cách đây vừa tròn 30 năm, chỉ sau hơn một năm miền Nam được giải phóng, ngày 20-6-1976, tại một căn nhà cũ ở thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Địa chất thủy văn miền Nam công bố quyết định số 129/QĐ-TC của Tổng cục địa chất thành lập Đoàn địa chất 703 (nay là Đoàn địa chất thủy văn – Địa chất công trình 703). Khi đó đơn vị chỉ có 8 người và họ đã bắt tay ngay vào việc lập đề án địa chất đo vẽ bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình vùng Bắc Tây Nguyên, tỷ lệ 1/200.000 với diện tích 19.000km2.

 

Đến 1-1-1978, Đoàn 703 chuyển trụ sở về đóng ở khu doanh trại cũ của địch do Quân khu 5 quản lý ở phường 6 và đến 1986, Đoàn “định cư” ở cơ sở mới tại Phước Hậu, Bình Kiến (nay là Phường 9, TP Tuy Hòa).

 

060620-cot-dien.jpg

Máy khoan sâu của Đoàn 703 đang thi công tìm kiếm nước – Ảnh: C.T.V

30 năm qua, gắn bó với dải đất miền Trung đầy nắng gió, trải qua những thử thách cam go, những khó khăn gian khổ, Đoàn địa chất 703 đã trưởng thành không ngừng cùng sự lớn mạnh của Liên đoàn Địa chất thủy văn miền Nam (nay là Liên đoàn địa chất thủy văn – Địa chất công trình miền Trung). Lực lượng cán bộ, công nhân viên của đoàn có thời điểm lên đến 140 người, đã đoàn kết một lòng, chung vai gánh vác nhiệm vụ mới mẻ và nặng nề. Từ Kon Tum đến Đồng Nai, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, từ ngả ba biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào mịt mù núi cao rừng rậm, đến những bãi cát vàng chang chang nắng gió duyên hải miền Trung, ở đâu cũng có dấu chân những người cán bộ kỹ thuật Đoàn địa chất 703.

 

Trong những năm 1976-1984, không chỉ đối mặt với nắng mưa Tây Nguyên với những trận sốt rét rừng, đói cơm lạt muối giữa rừng không một bóng người dân, cán bộ kỹ thuật, công nhân của đoàn còn đối phó với bọn Fun-ro. Mỗi tổ lộ trình được trang bị vũ khí như một tiểu đội chiến đấu. Với chiếc ba lô đựng màn võng, xoong nồi, gạo mắm, súng đạn và búa, với tấm bản đồ địa hình, chiếc la bàn, quyển nhật ký địa chất… họ lặn lội xuyên rừng, băng núi, vượt sông… Tất cả vì nhiệm vụ cao cả, vì sứ mệnh vẻ vang của ngành địa chất.

 

Chức năng ban đầu chủ yếu là lập bản đồ địa chất thủy văn – địa chất công trình tỷ lệ 1/200.000, dần dần Đoàn 703 được bổ sung các nhiệm vụ kỹ thuật và thi công cơ khí như đo địa vật lý – trắc địa, khoan, bơm địa chất thủy văn; lập bản đồ tỷ lệ 1/50.000; bản đồ địa chất đô thị, địa chất môi trường; tìm kiếm, cung cấp nước ngầm v.v… Từ một đơn vị sự nghiệp, Đoàn 703 đã vươn lên theo mô hình doanh nghiệp địa chất, có khả năng thực hiện hoàn chỉnh chu trình địa chất khép kín từ lập bản đồ, tìm kiếm đến thi công, đủ sức cạnh tranh với thị trường.

 

30 năm qua, Đoàn 703 đã thành lập và nộp báo cáo khoa học vào lưu trữ quốc gia Cục địa chất Việt Nam bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/200.000 các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam với các đề án: Bắc Tây Nguyên, Tuy Hòa – Quy Nhơn; Quảng Ngãi – Bồng Sơn và lập đề án, thi công bản đồ ĐCTV-ĐCCT tỷ lệ 1/200.000 Nam Tây nguyên… trên tổng diện tích 52.000km2. Đoàn đã tiến hành hàng vạn kilômét lộ trình, hàng vạn điểm khảo sát, phân tích hàng vạn mẫu địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan sâu hơn mười ngàn mét. Tài liệu địa chất của đoàn đã được Hội đồng khoa học Tổng cục địa chất – nay là Cục địa chất, Bộ Công nghiệp đánh giá nghiệm thu với chất lượng cao, góp phần giúp các địa phương trong vùng và các ngành Trung ương quy hoạch phát triển kinh tế.

 

Ngoài bản đồ 1/200.000, đoàn còn lập các bản đồ 1/50.000 ở một số vùng kinh tế trọng điểm và các vùng dân sinh như Quy Nhơn – Phù Mỹ, thị xã Quảng Ngãi, Duy Xuyên – Tam Kỳ, Vân Canh (Bình Định), Sông Cầu – Tuy An…. với diện tích trên 5000km2. Các tài liệu đã được đưa vào sử dụng có hiệu quả.

 

Chuyên đề về địa chất đô thị và môi trường là một lĩnh vực mới. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực tích cực, ứng dụng các khoa học kỹ thuật chuyên ngành, Đoàn 703 đã thực hiện nhiều chuyên đề ở các vùng đô thị, khu công nghiệp, bàn giao cho địa phương và các ngành kinh tế Trung ương sử dụng như đô thị Dung Quất – Vạn Tường, đô thị Quy Nhơn (phục vụ xây dựng khu công nghiệp Nhơn Hội)…

 

Một đóng góp quan trọng của Đoàn ĐCTV-ĐCCT 703 cho khoa học Địa chất Việt Nam trong thập kỷ 80 là đánh giá cấu trúc địa tầng ba zan của khối nâng Kon Tum. Đây được xem như một công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc tìm kiếm, thăm dò nước ngầm phục vụ dân sinh và sản xuất ở Tây Nguyên, đóng góp và làm phong phú thêm kho tàng khoa học địa chất Việt Nam.

Miền Trung có mật độ các điểm nước khoáng khá lớn, đa số là nước khoáng nóng. Đoàn 703 đã khảo sát, phát hiện và tìm kiếm thăm dò hàng trăm điểm. Đến nay một số điểm đã được đưa vào khai thác đem lại hiệu quả kinh tế lớn như Đảnh Thạnh, Cam Ranh, Tu Bông (Khánh Hòa), Phú Sen (Phú Yên), Long Mỹ, Hội Vân, Chánh Thắng (Bình Định), Thạch Bích (Quảng Nam)… Một số mỏ nước khoáng được khai thác với lưu lượng 1000m3/ ngày đêm phục vụ đời sống nhân dân.

 

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, Đoàn 703 đã sớm bắt nhịp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đoàn đã phát huy năng lực con người và đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ địa chất mới, chủ động vươn ra thị trường đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH. Việc tìm kiếm thêm các công trình ngoài vốn ngân sách Trung ương được Đoàn chú ý đầu tư, năng động và sáng tạo. Nhiều lỗ khoan địa chất thủy văn đã được đưa vào khai thác sử dụng trong chương trình nước sạch nông thôn ở các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, nhất là trên địa bàn Phú Yên. Mỗi năm Đoàn 703 tăng thu nhập thêm 600-800 triệu đồng, vừa tạo thêm việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho CBCNV. Nếu như năm 2001, thu nhập bình quân 1.212.000đ/người/tháng, đến năm 2005, tăng lên 2.800.000đ/người/tháng. Đến nay với sự quan tâm của lãnh đạo Đoàn, và của địa phương, toàn thể CBCNV đã có nhà ở riêng, an cư lạc nghiệp.

 

Trải qua quá trình công tác, nhiều cán bộ, kỹ thuật của Đoàn 703 đã trưởng thành nhanh chóng, đảm đương những công việc phức tạp, nắm vững khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng tài liệu địa chất và hiệu quả kinh tế. Nhiều người xuất thân từ 703 đã trưởng thành, trở thành những cán bộ kỳ cựu của liên đoàn hoặc các ngành khác của địa phương. Nhiều cán bộ kỹ thuật đã đảm nhiệm các công tác quản lý, chủ nhiệm các đề án kinh tế – kỹ thuật lớn.

 

Ba mươi năm, đối với chu kỳ địa chất chỉ như một chớp mắt, nhưng đối với đời người là một khoảng thời gian dài, giúp họ trưởng thành về nhiều mặt. Một số CBCNV của Đoàn 703 đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp địa chất; có người đã nằm lại với Tây Nguyên vì những sơn trường vất vả của nghề nghiệp. Song gian nan vất vả không thể làm chùn bước những người địa chất 703.

 

Đoàn địa chất thủy văn – Địa chất công trình 703 tự hào đã đóng góp tích cực, xứng đáng cho sự nghiệp địa chất nói riêng và cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước nói chung.

 

Tiếp nối truyền thống đoàn kết, sáng tạo, không ngại khó khăn gian khổ, Đoàn 703 đang vươn lên đảm nhận những nhiệm vụ nặng nề hơn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 

HỮU THỌ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek