Thứ Ba, 08/10/2024 13:36 CH
Người lao động mất việc, vốn hỗ trợ nằm chờ
Thứ Sáu, 28/08/2009 14:29 CH

Chính sách cho vay vốn đối với người lao động mất việc làm tại các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động, đang còn thời hạn hợp đồng nhưng bị sa thải do ảnh hưởng suy thoái kinh tế đã có hiệu lực hơn 5 tháng nay. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có lao động Phú Yên nào tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

 

san-xuat-nhua090828.jpg

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất nhựa trong KCN An Phú (TP Tuy Hòa) – Ảnh: Q.THUẦN

 

Theo Quyết định 30/2009 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp muốn vay vốn hỗ trợ việc làm cho người lao động phải có phương án sắp xếp việc làm gửi Sở Lao động – Thương binh – Xã hội và Sở Tài Chính tỉnh xác nhận, sau đó chi nhánh Ngân hàng Phát triển (VDB) tại tỉnh quyết định cụ thể mức cho vay. Thủ tục không quá phức tạp, thế nhưng nhiều doanh nghiệp Phú Yên vẫn ngại vay vốn. Ông Trần Thanh Bình, Chánh văn phòng Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Phú Yên cho biết: Ngay sau khi Quyết định 30 ban hành, sở đã tổ chức hai đợt tập huấn đến tất cả các huyện, thành phố, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, sau gần 5 tháng triển khai, chỉ có Công ty cổ phần Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên làm thủ tục vay vốn hỗ trợ người lao động mất việc làm!

 

Hiện chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu người lao động Phú Yên làm việc tại các doanh nghiệp trong nước hợp đồng lao động theo thời vụ và không được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại khu vực TP Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Đông Hòa chúng tôi nhận thấy, có không ít người lao động chưa từng được doanh nghiệp nơi làm việc ký hợp đồng lao động dài hạn và đóng bảo hiểm xã hội, dù đã làm việc nhiều năm. Thay vào đó là hợp đồng lao động ngắn hạn. Điều này cho thấy, dù sản xuất, kinh doanh bị đình đốn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không cần vay vốn hỗ trợ của Chính phủ để trả lương cho người lao động và đóng bảo hiểm xã hội.

 

Bà Trần Thị Ngọc ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết: “Tôi đã làm việc tại một công ty chế biến thủy sản trong tỉnh gần hai năm nay, hợp đồng lao động được ký 3 tháng một lần. Khi có hàng thì làm, không thì ở nhà làm ruộng để chờ việc và được nhận 50% lương. Còn bảo hiểm thì chưa bao giờ nghe doanh nghiệp nói đến”. Bà Ngọc còn cho biết thêm, với mức lương ít ỏi 800.000 đồng/tháng, nhiều khi phải ứng trước để trang trải chi tiêu trong gia đình nên chẳng còn dư giả. Thời gian gần đây doanh nghiệp nợ lương và hứa sau khó khăn sẽ ưu tiên nhận lại làm việc. 

 

Đại diện VDB Phú Yên cho biết, vẫn chưa thể giải ngân vốn cho một doanh nghiệp nào vay để trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dù nguồn vốn đã được ngân hàng cấp trên phân bổ. Riêng tại Công ty cổ phần Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên có 100/246 lao động mất việc làm, nhưng sau khi rà soát lại thì có một số lao động mất việc làm trong năm 2008 nên không đủ điều kiện vay vốn.

 

Theo Chánh Văn phòng Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Phú Yên Trần Thanh Bình, chỉ những doanh nghiệp phải cắt giảm từ 30% lao động hoặc từ 100 lao động mất việc làm trong năm 2009 thì mới thuộc diện được vay vốn hỗ trợ. Trong khi đó, trên 90% doanh nghiệp ở Phú Yên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng vài chục lao động nên phần lớn không đủ điều kiện vay vốn. Thêm vào đó, con số trên 5.000 lao động mất việc làm tính từ đầu năm đến nay mà các địa phương và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh báo cáo là không đúng thực tế. Trong số này có rất nhiều lao động mất việc hoặc tự ý bỏ việc từ năm 2008, gây khó khăn trong công tác thống kê và triển khai các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và doanh nghiệp.

 

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp Phú Yên, Quyết định 30/2009 của Thủ tướng Chính phủ chỉ mới nói về lượng và quy mô. Trên thực tế, một doanh nghiệp sử dụng 40 lao động, sau khi sắp xếp lại số lao động chỉ còn 20 lao động chắc chắn nghiêm trọng hơn một doanh nghiệp sử dụng hàng trăm lao động mà sắp xếp dư ra có 30 lao động. Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc DNTN Mạnh Tấn (huyện Phú Hòa) bức xúc: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp phải cho 20/47 công nhân nghỉ việc từ nhiều tháng nay. Doanh nghiệp rất muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này để trả lương và gọi công nhân làm việc lại, song với quy định này đành… bó tay. Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp tại KCN Hòa Hiệp thì cho rằng, quyền lợi của doanh nghiệp trong chính sách này hầu như không có. Nếu được vay vốn thì ngân hàng giải ngân trực tiếp đến người lao động, trong khi đó doanh nghiệp phải đứng ra hoàn tất nhiều thủ tục và trách nhiệm rất lớn nên thà hoạt động cầm chừng và… nợ lương người lao động. 

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek