Thứ Tư, 09/10/2024 21:20 CH
“Xóa sổ” rừng mò o, một làng nghề điêu đứng
Thứ Ba, 11/08/2009 14:30 CH

Một dự án trồng rừng kinh tế đang triển khai tại xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đã gây phản ứng từ phía người dân, bởi nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường, đẩy một làng nghề đan lát đứng trước nguy cơ xóa sổ. Dư luận đặt câu hỏi: trong quá trình doanh nghiệp phát dọn thực bì để trồng rừng, cơ quan chức năng có thực hiện việc giám sát?

 

21.090811.jpg

Dùng cưa máy xóa sổ cả một cánh rừng

 

XÓT XA VÌ RỪNG BỊ TÀN PHÁ

 

Ông Nguyễn Hoàng Sinh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, nói rằng làng nghề truyền thống đan lát rá rổ bằng cây mò o thôn Thạnh Đức là làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Đồng Xuân. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát địa hình, địa phương không báo cáo tình hình làng nghề này cho huyện biết. “Nếu biết trước ảnh hưởng đến làng nghề thì huyện không cho triển khai dự án này. Chúng tôi đang chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đồng Xuân kiểm tra thực địa và sẽ cho dừng ngay việc phát thực bì” – ông Sinh cho biết.

Theo văn bản số 846/2009 của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên về thẩm định hồ sơ thiết kế trồng rừng kinh tế năm 2009 tại tiểu khu 134 thuộc địa phận thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, hiện trạng rừng tại tiểu khu này là rừng 1a (rừng không có khả năng phục hồi) và giao cho Công ty cổ phần Trường Thành Xanh trồng rừng kinh tế. Thế nhưng, trên thực tế đây là rừng nguyên sinh, trong đó có rừng cây mò o - nguồn nuôi sống hàng trăm gia đình ở làng nghề đan lát ky giỏ, rổ rá có từ hàng trăm năm nay. 

 

Ông Trần Cao Thức, cựu chiến binh ở thôn Thạnh Đức, bức xúc: “Khu vực rừng Hóc Kè thuộc tiểu khu 134 là rừng nguyên sinh, là “lá phổi” của một vùng dân cư vậy mà bị chặt phá”. Ông Nguyễn Tri Phương, cán bộ cách mạng lão thành, cũng tỏ ra rất bất bình: “Rừng Hóc Kè trước đây che chở cách mạng, là đòn bẩy tấn công giặc; vậy mà bây giờ lại đốn sạch, xót quá!”. Hầu hết người dân ở thôn Thạnh Đức đều tỏ ra đau lòng khi thấy khu  rừng trên bị tàn phá. Nhiều người khẳng định đây là khu rừng nguyên sinh.

 

Tại các cánh rừng Hòn Dũ, Bằng Giếng thuộc khu vực Hóc Kè cả vạt rừng nguyên sinh, trong đó có cả cây mò o mọc xen kẽ những cây kơ nia (tiếng địa phương gọi là cây cầy) có đường kính 30-40 cm bị đốn ngã hàng loạt. Đi sâu vào rừng, nhiều cây gỗ quý như sến, sọ trưởng có đường kính 10-15cm cũng bị triệt hạ. Ông Nguyễn Văn Thưởng, ở huyện Hoài Ân (Bình Định), tiết lộ: “Tôi nhận thầu phát dọn thức bì theo dạng “B phẩy”, nhiệm vụ là chặt cây nhỏ, chừa cây lớn. Nhận cưa 1ha rừng với giá 7 triệu đồng, tính ra lỗ tiền công vì số lượng cây gỗ quá nhiều”.

 

Tại văn bản số 846 của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Phú Yên có nêu: Trong quá trình tổ chức phát dọn thực bì nhà đầu tư lưu ý không phát dọn những cây có đường kính lớn hơn 10 cm, nhằm mục đích giữ lại cây bản địa, góp phần hạn chế tình trạng xói mòn đất. Thế nhưng, tại hiện trường nhiều cây gỗ lớn bị đốn ngã. Thâm nhập vào các lán trại của lực lượng phát dọn thực bì rừng cho Công ty cổ phần Trường Thành Xanh rất nhiều cây hoành tử có đường kính 10-15cm, dài 4-5m nằm la liệt. Tại lán trại ông Trần Văn Thảo (Tám Thảo) có đến 40 cây hoành tử chất ngổn ngang. Thực tế này khiến dư luận đặt câu hỏi trong quá trình Công ty cổ phần Trường Thành Xanh phát dọn thực bì, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Phú Yên có thực hiện việc giám sát? Người dân thôn Thạnh Đức đang lo lắng vì rừng Hóc Kè có độ dốc lớn, ruộng đồng sẽ bị bồi lấp vào mùa mưa, kiệt nước vào mùa nắng và nguy cơ phá vỡ cảnh quan.

 

NGUY CƠ XÓA SỔ LÀNG NGHỀ LÂU ĐỜI NHẤT ĐỒNG XUÂN

 

Làng nghề truyền thống đan lát rá rổ bằng cây mò o ở thôn Thạnh Đức hình thành hàng trăm năm nay. Đây cũng là làng nghề lâu đời nhất ở huyện Đồng Xuân, vừa hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận làng nghề truyền thống. Cuộc sống của hàng ngàn người dân sống ở làng nghề này chủ yếu dựa vào rừng mò o Lỗ Cá, Hóc Kè. Thế nhưng, nay rừng bị san bằng, cây mò o đứng trước nguy cơ bị dọn sạch, người dân đành phủi tay… thất nghiệp. Ông Trần Văn Nhị, ở thôn Thạnh Đức, thở dài: “Cách đây một tuần, tôi vác rựa lên rừng Hóc Kè chặt mò o về đan ky, bồ, rổ rá. Thế nhưng, khi đến nơi thấy rừng bị phát trụi, đành vác rựa về không. Rồi đây cuộc sống không biết như thế nào khi rừng mò o biến mất”. Người dân làng nghề lo lắng, thời gian nông nhàn không biết làm gì để cải thiện cuộc sống khi cây mò o không còn. Ông Nguyễn Chín, năm nay 70 tuổi, là người gắn bó nhiều năm với làng nghề nói: “Cây mò o đã gắn bó với người dân nơi đây bao đời nay, vì vậy thường gọi là dân “gốc” mò o!”.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek