Thứ Tư, 09/10/2024 23:29 CH
Thoát nghèo nhờ nuôi heo
Thứ Hai, 10/08/2009 16:00 CH

Nhờ vốn ưu đãi của ngân hàng và tận dụng tốt diện tích đất trong gia đình vợ chồng bà Lê Thị Mỹ Lệ ở thôn Đông Hòa (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi heo. Mô hình phát triển kinh tế của bà Lệ được nhiều phụ nữ địa phương học hỏi.  

 

heo090810.jpg

Bà Lệ chăm sóc heo – Ảnh: L.BIẾT

 

Hơn ba năm trước, người dân thôn Đông Hòa ai cũng biết đến hoàn cảnh gia đình bà Lê Thị Mỹ Lệ và ông Lê Hữu Trung. Mồ côi cha mẹ, xây dựng gia đình từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn. Có thời điểm nhà không đủ gạo ăn vì không có việc làm. Năm 2007, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Hòa xét hộ bà Lệ gia nhập tổ tiết kiệm – vay vốn và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, bà Lệ mua ba con heo đen của đồng bào dân tộc thiểu số để làm nái và phối giống với heo rừng cho sinh sản heo rừng lai. Cùng thời điểm đó, ông Trung cũng học nghề làm bún. Thời điểm đó, giá heo rừng lai tăng cao, mỗi con giống 5kg có giá 1,5 triệu đồng. Một mặt tiếp tục cho nhân giống heo rừng lai, một mặt đầu tư mua heo trắng về làm giống. Sau hơn hai năm gầy đàn, đến nay trong chuồng gia đình bà Lệ đã có 10 heo nái trắng, 23 heo thịt sắp đến kỳ xuất chuồng và gần 40 con heo rừng lai. Từ một hộ nghèo, vợ chồng bà Lệ có khoản vốn “lận lưng” gần 100 triệu đồng và ra khỏi danh sách nghèo của thôn. Bà Lệ cho biết: Nhà tôi kết hợp nuôi heo với nấu rượu, làm bún, trồng rau, tận dụng nguồn nước gạo từ việc làm bún và hèm nấu rượu, rau và mua thêm nguồn cám tổng hợp để bổ sung vào khẩu phần ăn nên heo chóng lớn mà giảm chi phí. Ngoài ra, xây dựng một hầm biogas nhằm tránh ô nhiễm môi trường, vừa làm nguồn chất đốt. Những lứa heo trắng đẻ ra, thay vì bán giống tôi chuyển sang nuôi thịt. Trung bình mỗi lứa heo đến khi xuất bán thu lãi được 10 triệu đồng.

 

Đối với heo rừng, để heo có điều kiện phát triển, bà Lệ đưa toàn bộ 40 con heo rừng lai vào rẫy và sử dụng lưới sắt B40 để vây thành một khu có bóng cây râm mát cho heo trú, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của giống heo rừng. Ông Lê Hữu Trung cho biết: “Năm nay sẽ tiếp tục đầu tư heo đực rừng thuần chủng để phối với heo đen và sản xuất giống heo rừng lai quy mô lớn hơn; đầu tư hệ thống chuồng lồng sắt để tiết kiệm diện tích và mở rộng mô hình nuôi heo nái kết hợp heo thịt”. Bà Huỳnh Thị Liễu, tổ trưởng tổ tiết kiệm - vay vốn Chi hội Phụ nữ thôn Đông Hòa nhận xét: Nhờ chịu khó làm ăn và “mát tay” trong chăn nuôi heo, nên gia đình bà Lệ đã thoát được nghèo và là điển hình để nhiều hộ phụ nữ trong thôn học hỏi.

 

Từ hiệu quả của mô hình trang trại nuôi heo rừng lai và heo nái kết hợp với heo thịt của gia đình bà Lê Thị Mỹ Lệ cho thấy, trong điều kiện diện tích đất nhỏ hẹp cũng có thể tận dụng được để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, giá heo thịt thường xuyên biến động nhưng với việc biết tận dụng các nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, nghề phụ và công lao động của gia đình, người chăn nuôi heo có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn khi giá heo xuống thấp. Mô hình này một lần nữa khẳng định nông dân có thể tự vươn lên làm giàu từ chăn nuôi nhờ chịu khó và có những cách làm phù hợp, mà trường hợp của bà Lệ là một ví dụ điển hình.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek