Thứ Năm, 10/10/2024 13:26 CH
Nông dân với chuyện kích cầu
Chủ Nhật, 02/08/2009 19:00 CH

Từ ngày 17/4/2009, Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở đã có hiệu lực. Vậy nhưng tại nhiều vùng nông thôn Phú Yên, nông dân dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

 

may-cay.090801.jpg

Huyện Sông Hinh hỗ trợ máy cày cho nông dân xã EaTrol - Ảnh: LÊ BIẾT

 

CHƯA NẮM BẮT ĐƯỢC THÔNG TIN

 

Vướng mắc đầu tiên bắt đầu từ một thực tế là rất ít nông dân Phú Yên hiểu cặn kẽ về gói kích cầu cho vay vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà, đây là vùng mía và cây công nghiệp trọng điểm của huyện Sơn Hoà. Trung bình mỗi hộ gia đình có từ 2-3 ha mía. Mùa này cây mía đang vào thời kỳ chăm sóc. Nông dân cần một lượng phân rất lớn để bón lót cho những diện tích mía trồng mới và bón thúc cho cây mía gốc. Theo tính toán của người dân, cứ trung bình 1 ha mía, nông dân đầu tư khoảng 6-7 triệu tiền phân bón (chưa tính công chăm sóc). Nếu một gia đình làm 3 ha mía, trung bình 1 vụ cần khoảng 30 triệu đồng chi phí cho vật tư phân bón. Một khoản đầu tư không hề nhỏ trong điều kiện nông thôn hiện nay. Thế nhưng có một thực tế, đa phần bà con phải chấp nhận mua phân nợ từ các đại lý. Đầu vụ, mua một bao phân đạm đưa tiền ngay giá 320.000 đồng. Nếu mua nợ đến vụ thu hoạch mía trả thì giá 400.000 đồng, thậm chí có đại lý tính đến 420.000 đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không vay vốn kích cầu của Chính phủ thì nhiều người trả lời không biết. Bà Lê Thị Thuý Quyên ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà cho biết: “Nhà tui làm gần 5 ha mía, mới mua nợ đại lý đến 30 triệu đồng tiền phân hồi đầu tháng 5 dương lịch. Tiền đâu mà trả, năm nào cũng mua “gối đầu”, mùa mía lên thì bán lấy tiền trả nợ phân, trừ công thu hoạch, vận chuyển… chẳng còn lãi là bao. Còn vay vốn kích cầu, có nghe ai nói gì đâu mà biết.”

 

Tại các huyện đồng bằng của tỉnh Phú Yên, cây lúa hè thu 2009 đang kỳ bón thúc, đây là thời điểm tiêu thụ phân bón mạnh nhất. Mỗi sào ruộng 500 m2, số tiền chi cho việc mua phân bón lên đến mức 300.000 đồng, chưa kể thuốc bảo vệ thực vật. Ông Bùi Văn Hoan, nông dân ở xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Đa phần nông dân chúng tôi đều phải mua nợ, cuối vụ trả cho các đại lý. Mùa này đang là mùa xây dựng, bà con cơi nới nhà cửa rất nhiều nhưng không ai hay biết chuyện vay nguồn vốn này để xây nhà cả. Cứ mượn anh em, bà con, khi nào làm có thì trả, kẹt lắm thì vay nóng, trả lãi cao”. Qua hơn 2 tháng triển khai, tại nhiều vùng nông thôn hiện nay, không có nhiều nông dân biết đến chuyện vay vốn hỗ trợ lãi suất.

 

TRÊN QUYẾT LIỆT, DƯỚI THỦNG THẲNG

 

Ngay sau khi chính phủ có văn bản và ngân hàng nhà nước có hướng dẫn, tỉnh Phú Yên đã liên tục tổ chức các cuộc họp và có văn bản chỉ đạo xuống huyện, thành phố về chủ trương này. Huyện đã có văn bản gửi xuống các xã và hợp tác xã. Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn tại Phú Yên cũng đã tổ chức tuyên truyền chủ trương này xuống các địa phương. Thế nhưng, việc thông tin xuống dân đến đâu và hiệu quả thế nào thì không ai quan tâm. Tuỳ từng nơi mà hoặc là hợp tác xã, hoặc là hội nông dân của xã đứng ra làm đầu mối, hướng dẫn cho người dân làm thủ tục vay vốn theo gói kích cầu này. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nơi thông tin chưa đến được với bà con. Ví như tại xã Hoà Tân Đông (huyện Đông Hoà), trong khi nhu cầu bà con rất lớn nhưng qua hơn nửa tháng triển khai chủ trương cũng chỉ có lác đác vài hộ đến hợp tác xã hỏi thăm thủ tục đăng ký vay. Ông Trương Ngọc Diệp, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tân Đông, nói: Sau khi huyện có văn bản, chúng tôi đã có thông báo cho bà con xã viên biết trên các loa truyền thanh của xã trong vòng 10 ngày, ai không nghe thì thôi. Còn ông Nguyễn Hẻ, Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà thì cho biết, UBND xã Sơn Hà mới đây ( tức hơn 2 tháng sau khi quyết định có hiệu lực) có họp triển khai vay vốn kích cầu 497 và giao cho hội nông dân làm chủ trì hướng dẫn bà con, nhưng đến nay các chi tổ hộ dưới các thôn chưa họp triển khai được. 

 

NHU CẦU VÀ QUY ĐỊNH CHƯA GẶP NHAU

 

Ở những nơi chủ trương vay vốn kích cầu theo quyết định 497 khi đến được với người dân thì lại phát sinh vướng mắc mới. Nhu cầu của người vay và những ràng buột đưa ra trong quyết định chưa gặp nhau. Ví như tại huyện Đông Hòa, hiện có hơn 150 máy cày tiểu phục vụ làm đất sản xuất lúa, số máy cày trung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Yêu cầu sản xuất đang đặt ra hiện nay là phải thay thế máy cày tiểu bằng máy cày trung để thuận lợi trong làm đất và giúp thâm canh tăng năng suất lúa. Thế nhưng, để được hỗ trợ theo gói kích cầu này thì đòi hỏi phải mua máy móc được sản xuất trong nước theo danh mục hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp tại văn bản số 528 ngày 13/ 5/ 2009 của Cục chế biển, thương mại, nông lâm thuỷ sản và nghề muối- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT). Trong khi đó đối với máy cày trung công suất từ 2500 Oát (W) trở lên thì nhiều linh kiện không được sản xuất trong nước. Thêm vào đó các hợp tác xã nông nghiệp muốn vay vốn gói kích cầu này thì lại không có tài sản thế chấp… Ví như hợp tác xã Hoà Hiệp Bắc, huyện Đông Hoà, sau khi thống nhất trong Ban chủ nhiệm và xã viên, để chủ động trong dịch vụ làm đất, hợp tác xã lên phương án mua 2 máy cày trung với số vốn đầu tư khoảng hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên khi làm thủ tục vay thì không được xét vì không có tài sản thế chấp. Ông Nguyễn Đình Tới, Chủ nhiệm hợp tác xã Hoà Hiệp Bắc, huyện Đông Hoà bức xúc: Vốn kích cầu có đấy, những tưởng là việc vay của hợp tác xã sẽ dễ dàng nhưng cuối cùng lại gặp khó khăn, hợp tác xã cũng như nông dân không thể tiếp cận được do quy định tỉ lệ nội địa hóa một số loại thiết bị máy móc trong danh mục được hỗ trợ lãi suất ràng buộc. Tụi tôi đành bỏ dự án vì vốn lưu động của hợp tác xã hiện nay chỉ hơn 600 triệu đồng, lấy gì mà đầu tư!

 

Những vướng mắc này đã được đề cập nhiều nhưng rõ ràng biện pháp tháo gỡ vẫn còn rất chậm. Hậu quả là đã hơn 2 tháng kể từ khi quyết định của Chính phủ có hiệu lực, hầu hết nông dân Phú Yên vẫn còn đứng ngoài cuộc việc vay vốn hỗ trợ lãi suất, mặc dù đây là chủ trương hỗ trợ nông dân rất có ý nghĩa trong giai đoạn khó khăn.

 

Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng: Nên chăng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp để nguồn vốn này thực sự đến được với nông dân và phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Bởi những quy định chung của chủ trương vay vốn theo gói kích cầu này ở một số vùng khi triển khai lại không phù hợp.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek