Thứ Năm, 10/10/2024 13:28 CH
Sơn Hòa: Kinh tế trang trại mang lại hiệu quả
Chủ Nhật, 02/08/2009 13:30 CH

Ở huyện miền núi Sơn Hòa, rừng và đất rừng chiếm diện tích chủ yếu. Chính vì điều kiện tự nhiên như vậy mà mô hình kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi phát triển mạnh ở địa phương này. Nhiều hộ nông dân biết khai thác thế mạnh này để vươn lên làm giàu.

 

thuan.090731.jpg

Ông Phạm Văn Thuận (xã Suối Bạc, huyện  Sơn Hòa) đang chăm sóc rau màu ở trang trại của mình - Ảnh: A.NGỌC

 

Mô hình kinh tế trang trại đã có từ lâu ở Sơn Hòa và phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều hộ nông dân biết khai thác các tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại… Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới cách nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi đáng kể nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở huyện miền núi này. Hiện nay ở Sơn Hòa có đến 475 hộ gia đình làm kinh tế theo mô hình trang trại, đa số trồng cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi.

 

Trang trại của cựu chiến binh Phạm Văn Thuận ở xã Suối Bạc. Với 8ha đất, ông Thuận trồng mía, nuôi bò và trồng các loại cây ngắn ngày. Vụ mía vừa rồi ông trồng khoảng 4ha. Trừ các khoản chi phí, cựu chiến binh này thu nhập trên 80 triệu đồng. Cách làm trang trại của ông Thuận là lấy ngắn nuôi dài. Ông đào ao rộng khoảng 2 sào để nuôi cá, trên 4ha đất còn lại ông trồng rau màu. Khi chúng tôi đến trang trại, gia đình ông vừa thu hoạch hơn 3 tấn bí đỏ, được mùa nhưng giá thấp nên lãi không cao. Riêng từ đầu năm đến nay, thu nhập từ rau màu trên 30 triệu đồng. Ông Phạm Văn Thuận cho biết: “Bốn hecta rau màu của tôi chủ yếu trồng bắp lai, dưa leo, bí đỏ, cà dĩa, ớt và rau các loại. Vì ít vốn nên phải lấy cây rau màu để nuôi cây mía. Dịp tết vừa qua, gia đình tôi thu nhập từ cá và rau màu khoảng 60 triệu đồng. Chúng tôi cố gắng từ nay đến tết để có thu nhập tương đương năm ngoái…”.

 

Ông Thuận có thời gian phục vụ trong quân đội, công tác tại Huyện đội Sơn Hòa. Năm 1979, ông trở về địa phương, áp dụng các mô hình sản xuất để phát triển kinh tế. Nhiều năm liền ông Thuận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Hiện nay ông đang học hỏi mô hình nuôi dông để về triển khai…

 

Với mô hình trang trại kết hợp chăn nuôi bò lai, gia đình ông Trần Văn Bàn ở xã Sơn Nguyên thu nhập mỗi năm trên 230 triệu đồng. Với diện tích trên 10ha, ông Bàn đầu tư trồng 8ha mía, còn lại trồng sắn xen cây bắp. Vụ mía vừa qua, gia đình ông Bàn thu được 784 tấn, trừ chi phí, lãi khoảng 190 triệu đồng. Với hơn 2ha đất trồng sắn và bắp, gia đình ông thu được khoảng 15 tấn sắn khô và hơn 3 tấn bắp. Ngoài ra, tận dụng những nông sản sẵn có như sắn, bắp và trồng cỏ, ông nuôi từ 10 - 15 con bò lai. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 3 - 4 con bò, giá từ 10 -15 triệu đồng một con. Với nông dân miền núi, đây là khoản thu nhập tương đối cao.

 

Ngoài phát triển kinh tế bằng những loại cây trồng ngắn ngày, nhiều hộ nông dân ở Sơn Hòa mở rộng diện tích trang trại để trồng cây công nghiệp dài ngày. Hộ bà Trần Thị Điệp ở xã Sơn Long đã đầu tư trồng gần 10ha keo lá tràm, 3ha cây cao su… Bà Điệp cho biết, gia đình bà đang trồng 6ha mía, 10ha sắn, trừ chi phí mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng… Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình bà Điệp lấy nguồn thu từ cây trồng ngắn ngày để đầu tư cho cây keo lá tràm và cao su. Hiện cây keo lá tràm sắp cho thu hoạch, nhưng bán nguyên liệu thô thì ít có lãi nên bà Điệp dự kiến sẽ mua một máy nghiền bột để chế biến bột giấy từ cây keo lá tràm.

 

Đa số trang trại ở Sơn Hòa đều có trồng mía. Cây mía đã phát triển mạnh ở địa phương này, giúp nông dân thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Gia đình ông Lê Quang Công ở xã Ea Chà Rang sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng nhờ vào cây mía. Ông cho biết: “Gia đình tôi đã mua được một chiếc xe tải, một chiếc xe công nông, trước hết là vận chuyển mía cho mình, sau đó vận chuyển cho người khác để tăng thu nhập. Tôi cũng mua sắm đầy đủ máy móc phục vụ cho nông nghiệp như máy bơm, máy cày, máy phun thuốc, máy cắt cỏ…”. Với diện tích 11,5ha, năm vừa rồi lãi từ cây mía và vận chuyển mía là trên 250 triệu đồng.

 

Trồng nhiều mía và đạt hiệu quả còn có hộ ông Phạm Xuân Thủy ở xã Suối Bạc. Năm vừa rồi đầu tư trồng 30ha mía, trừ các khoản chi phí, gia đình ông Thủy thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ngoài diện tích mía, ông Thủy còn trồng hơn 4ha cây keo lá tràm và cây huỳnh đàn. Ông Phạm Xuân Thủy cho biết, đã mua thêm 10ha đất và đầu tư hệ thống nước tưới để phát triển diện tích mía.

 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa La Xuân Bình cho biết: “Chúng tôi đang triển khai nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả. Đặc biệt, đối với mô hình kinh tế trang trại, chúng tôi rất chú trọng vì địa phương có nhiều lợi thế. Đây cũng là mô hình góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển”.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek