Thứ Sáu, 29/11/2024 01:37 SA
Hưởng ứng ngày Đa dạng sinh học thế giới 22-5:
Quan tâm bảo vệ hệ sinh thái vùng đất khô
Thứ Hai, 22/05/2006 08:11 SA

Năm nay, Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học thuộc Liên hiệp quốc kêu gọi kỷ niệm Ngày Đa dạng sinh học thế giới với chủ đề “Bảo vệ đa dạng sinh học các vùng đất khô”. Đây là vùng đất chiếm 47% mặt đất trên Trái đất, giàu có về đa dạng sinh học, cung cấp các yếu tố vật chất cho cuộc sống của hơn 2 tỷ người trên hành tình.

 

Vùng đất khô đang chịu nhiều sức ép do các hoạt động của loài người, đặc biệt là sự phát triển mạnh của nền nông nghiệp và các yếu tố khác đang ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Đã có 20% hệ sinh thái trong vùng đất khô bị suy thoái cùng 2.311 loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ diệt chủng. Tính cấp thiết của vấn đề đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhìn nhận trong quyết định của mình khi tuyên bố năm 2006 là năm quốc tế về sa mạc và hoang mạc hoá. Đây cũng là chủ đề hành động nhân ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay.

 

 

060522-moi-truong.jpg
Vùng đất khô được tái tạo rưng để bảo vệ đa dạng sinh học

 

Phú Yên là nơi có hệ động vật, thực vật trên cạn khá phong phú. Theo thống kê sự đa dạng sinh học về lớp chim có 18 bộ, 43 họ với 114 loài; về lớp thú có 7 bộ, 20 họ với  51 loài; trong đó có nhiều loài quý hiếm như công, gà lôi trắng, cầy ba, gấu ngựa, báo hoa mai, hươu vàng, bò tót, hổ… Đa dạng thảm thực vật có đa dạng về các kiểu rừng thưa nhiệt đới núi thấp gồm 4 loại. Đa dạng về các loài thực vật trên cạn ở tỉnh ta cũng rất phong phú bao gồm 136 họ gồm 8 họ ngành hạt trần với 13 loài và 128 họ ngành hạt kín với 718 loài, trong đó có nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như  trắc dây, gõ, cẩm lai, giáng hương, cà te, kiền kiền…

 

Ở Phú Yên, vùng đất khô tiêu biểu cho đa dạng sinh học nằm dọc  thung lũng sông Ba thuộc địa bàn 2 huyện Sơn Hoà và Sông Hinh mà Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai là một điển hình. Đa dạng sinh học ở khu vực này thấy rõ ở hệ thực vật lẫn hệ động vật phong phú. Về thực vật, có nhiều loài gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, cà te …  Tuy nhiên do sự khai thác quá mức của con người, các loài gỗ quý đó ngày càng cạn kiệt. Ở rừng cấm Krông Trai, còn có đặc trưng của dạng rừng khộp, nửa rụng lá của rừng Tây Nguyên. Về động vật, nơi đây tập trung nhiều loài động vật có móng guốc chẵn, động vật ăn cỏ, ăn thịt và nhiều loài chim thú khác. Đặc thù ở đây còn có những ốc đảo nước như bầu Hà Lầm có loài cá sấu nước ngọt.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai được khoanh vùng bảo vệ nhằm mục đích duy trì hệ sinh thái đa dạng sinh học trong vùng.  Nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong rừng được đưa ra định cư dọc QL 25. Rừng được đầu tư khoanh nuôi tái sinh. Các hoạt động khai thác rừng, săn bắt chim thú bị nghiêm cấm. Tuy nhiên do nhu cầu sản xuất nông nghiệp của cư dân ngày càng gia tăng nên một số diện tích rừng bị lấn chiếm dùng sản xuất lương thực, cây công nghiệp. Gần đây, một số diện tích được chuyển đổi mục đích như xây dựng công trình thuỷ điện Sông Ba Hạ càng làm cho diện tích rừng cấm Krông Trai bị thu hẹp. Trước đây rừng cấm này được quy hoạch 20.000 ha nay chỉ còn 12.000 ha. Bên cạnh đó, tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn đang có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến càng gia tăng áp lực xâm phạm tài nguyên rừng. Đó là chưa kể tình trạng khai thác rừng, săn bắt chim thú chưa được ngăn chặn triệt để càng làm cho tài nguyên rừng suy thoái, cạn kiệt; hệ thực vật, động vật đa dạng trong khu vực suy giảm đáng kể.

 

Giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất khô nói chung, hệ sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai nói riêng là giảm thiểu sự tác động của con người, qua đó giảm tốc độ mất đa dạng sinh học của vùng đất này và sau đó từng bước cân bằng hệ sinh thái vì sự phát triển bền vững. Thực hiện điều này, bên cạnh tăng cường công tác bảo tồn, duy trì hệ sinh thái hiện có bằng cách tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của cư dân trong vùng, hạn chế họ xâm nhập vào vùng lõi. Mặt khác, cần đầu tư phát triển vùng đệm, tạo điều kiện cho cư dân trong vùng ổn định sản xuất và đời sống. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài  để góp phần ngăn ngừa sự suy thoái hệ sinh học đa dạng của vùng đất này.

 

LÊ VĂN THỨNG

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek