Thứ Hai, 30/09/2024 14:20 CH
Thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2015:
Tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính
Thứ Năm, 05/03/2009 18:30 CH

Đó là những nhóm giải pháp cơ bản trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

 

khai-thac-K090305.jpg

Khai thác tài nguyên khoáng sản cần quan tâm sử dụng hợp lý gắn với bảo vệ môi trường  - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT) phù hợp với công cuộc CNH, HĐH đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trên tinh thần đổi mới đó, ngày 1/9/2008, UBND tỉnh đã ký Quyết định1376/QĐ-UB ban hanh “Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đây là cơ sở và là định hướng cho công tác BVMT, là khung sườn cho việc xây dựng các chương trình hành động, các dự án BVMT, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên của tỉnh nhằm phát triển kinh tế- xã hội với mục tiêu:Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ đa dạng sinh học; Cải thiện điều kiện môi trường ở những khu vực ô nhiễm và suy thoái; Xây dựng Phú Yên trở thành tỉnh có chất lượng môi trường tốt, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT, nâng cao ý thức BVMT, sống thân thiện với môi trường”. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đó nhằm bảo đảm phát triển bền vững trong quá trình đẩy mạnh CNH – HĐH, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp chính sau:

 

- Coi nhiệm vụ BVMT là một bộ phận cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội: Trước hết cần giải quyết tỉ lệ đúng đắn giữa kinh tế và môi trường. Đây là một vấn đề khó, đặc biệt đối với các nước nghèo, khi mà yêu cầu sống ngày hôm nay còn nhiều bức xúc. Hơn nữa khi mà trình độ tri thức còn thấp thì cũng chưa nhận thức hết được giá trị và tác hại của môi trường cho nên trong hành vi lựa chọn thường dễ “hy sinh môi trường” cho mục tiêu kinh tế. Song, vì sự phát triển bền vững, nhất định chúng ta phải đưa nội dung môi trường vào tất cả các kế hoạch chính sách phát triển kinh tế - xã hội; biến môi trường thành mối quan tâm của toàn cộng đồng từ cấp tỉnh đến từng người dân.

 

- Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng BVMT, chuyển biến từ nhận thức đến hành vi, hành động bảo vệ môi trường:

 

Đưa các nội dung BVMT vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo điều kiện và khuyến khích để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản BVMT. Động viên, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào quần chúng BVMT như: Xanh - sạch - đẹp, vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - ao - chuồng - rừng (VACR), vườn - ao - chuồng - biogas (VACB), Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường, Tuần lễ Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày thứ sáu xanh, xây dựng gia đình văn hóa,...

 

- Chủ động phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, đầu tư, vận hành tốt hệ thống xử lý môi trường: Thực hiện nghiêm chỉnh Luật BVMT về lập báo cáo đánh giá Tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư, chương trình và các quy hoạch phát triển. Nếu báo cáo ĐTM không được chấp nhận thì kiên quyết không cho thực hiện. Đối với các cơ sở đang hoạt động, căn cứ vào ĐTM mà tổ chức phân loại và có kế hoạch xử lý phù hợp: Cơ sở nào gây ô nhiễm quá mức cho phép thì quy định thời gian xử lý ô nhiễm, cơ sở nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc di chuyển địa điểm. Áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nhiên liệu và năng lượng.

 

- Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện xã hội hoá công tác BVMT: Có chính sách và cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực từ các ngành, các thành phần kinh tế và của người dân để BVMT. Làm tốt việc thu các loại phí về BVMT để có nguồn kinh phí tái đầu tư cho môi trường. Ngay từ khi lập kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương cần có khoản mục kế hoạch về BVMT với kinh phí để thực hiện kế hoạch này, kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đến năm 2010 ít nhất phải đạt trên 1% GDP. Khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho BVMT vào địa bàn tỉnh với chính sách ưu đãi đầu tư.

 

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT cho các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở: Tạo điều kiện cần thiết về tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở tỉnh đủ sức thực hiện tốt chức năng quản lý môi trường. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BVMT cho cấp huyện, thành phố của tỉnh. Nâng cao trình độ và năng lực quản lý nhà nước về mặt môi trường cho các cơ quan huyện thị. Rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với BVMT, nâng cao hiệu lực của Luật BVMT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về công tác BVMT.

 

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực BVMT: Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường, đánh giá và dự báo diễn biến môi trường trong địa bàn tỉnh. Hình thành hệ thống cơ sở ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ môi trường. Tổ chức hệ thống đào tạo cán bộ, chuyên gia thuộc lĩnh vực môi trường với các trình độ khác nhau, với các loại ngành nghề phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của công tác BVMT của tỉnh. Chú trọng hình thành và phát triển công nghệ xử lý môi trường phù hợp với điều kiện của tỉnh.

 

- Tăng cường khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên: Cần tăng nhanh tỉ lệ che phủ rừng thực hiện nghiêm chỉnh đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ đi đôi với việc giải quyết định canh định cư, giải quyết việc làm và cung cấp đủ lương thực cho dân sinh sống với rừng, khai thác lợi thế tính đa dạng sinh học nhiều tầng của rừng tự nhiên, rừng trồng, mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên. Chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây lãng phí tài nguyên, huỷ hoại rừng, suy thoái đất và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong khai thác vàng, sắt, nhôm… Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng các biện pháp có tính hủy diệt để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường các biện pháp quản lý tổng hợp nguồn nước theo lưu vực sông.

 

- Mở rộng hợp tác trong và ngoài nước về bảo vệ môi trường: Mở rộng hợp tác, tham gia các chương trình có mục tiêu để giải quyết các nhiệm vụ BVMT chung với các tỉnh lân cận. Tích cực tham gia vào các chương trình quản lý các lưu vực sông, các hồ chứa nước, giải quyết các vấn đề môi trường chung của khu vực và toàn cầu.

 

         

NGUYỄN THỊ THANH VY

Phó Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek