Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa ngày càng làm cho tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và kết quả cuối cùng là làm suy thoái chất lượng sống của cộng đồng. Điển hình cho vấn đề môi trường gần đây là vụ Vedan (Đồng Nai) và Miwon (Phú Thọ) đã để lại hậu quả nặng nề mà sẽ mất rất nhiều tiền của và thời gian để có thể phục hồi lại môi trường. Do đó, bảo vệ môi trường (BVMT) đã trở thành một vấn đề hết sức quan trọng, là một trong những mục tiêu chính nằm trong chính sách chiến lược của quốc gia.
Ngày nay, vấn đề môi trường đã được nói nhiều hơn, được nhà nước và các bộ ngành quan tâm hơn, được coi như một yếu tố phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan tâm là Luật BVMT nước ta chưa thực sự có tính ngăn chặn, răn đe cao và nhiều doanh nghiệp vẫn có thể lách luật được. Tại Phú Yên, qua thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng cho thấy nhiều bất cập trong việc thực hiện Luật BVMT.
Để làm giảm tác động của ô nhiễm, doanh nghiệp có thể có hai lựa chọn: Một là đẩy mạnh công tác xử lý đầu ra, hai là kiểm soát thật tốt khâu đầu vào cũng như quá trình sản xuất để giảm thiểu tối đa chất thải. Thông thường, hai cách này được phối kết hợp, tuy nhiên, do vấn đề môi trường chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức dẫn đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất đang còn rất yếu kém, kể cả mặt chuyên môn lẫn quản lý.
Năm 1993, tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 14000 hướng đến thống nhất việc quản lý môi trường trong tổ chức một cách có hệ thống. Qua thống kê, các đơn vị thực hiện hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 thì thấy rằng doanh nghiệp có thể không cần đầu tư quá nhiều vào khâu xử lý mà chuyển trọng tâm sang quản lý thật tốt các quá trình có khả năng rủi ro cao về môi trường cũng như có nguồn thải cao. Việc quản lý như thế sẽ phân loại ngay từ đầu nguồn chất thải tạo cơ hội cho việc tái chế chất thải, đồng thời giảm lượng chất thải sau sản xuất. Đây cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần cho doanh nghiệp tiếp cận dần với sản xuất sạch hơn. Như vậy, nếu các tổ chức áp dụng tốt hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 thì việc giảm dần các tác động môi trường có hại không phải là khó khăn, mà chi phí cho việc xây dựng cũng như duy trì hệ thống quản lý môi trường này thấp hơn nhiều so với việc phải đầu tư vào công nghệ hoặc chi phí phải chi trả cho việc xử lý. Tuy vậy, trên địa bàn Phú Yên, hiện số doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14000 rất ít.
Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp chế biến cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải phải đầu tư hàng trăm triệu đồng, có khi đến hàng tỉ đồng, nên không ít doanh nghiệp tìm cách lảng tránh hoặc đầu tư không đến nơi đến chốn. Do vậy, nếu tiếp cận với hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu các rủi ro về gây ô nhiễm môi trường như thời gian vừa qua.
MAI ANH