Thứ Hai, 30/09/2024 22:31 CH
Phú Yên làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh?
Thứ Năm, 26/02/2009 07:16 SA

Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” tổ chức tại Phú Yên ngày 24/2 đã giúp cho lãnh đạo tỉnh nhận diện đầy đủ về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Vấn đề đặt ra là Phú Yên cần có những quyết sách gì để cải thiện những chỉ số thuộc thành phần yếu của năng lực cạnh tranh (PCI)?

 

HT-canh-tran090226.jpg

Quang cảnh buổi hội thảo.

 

NHIỀU NGUYÊN NHÂN KHIẾN PCI CỦA PHÚ YÊN GIẢM

 

Năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu triển khai việc đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua thu thập số liệu từ điều tra, khảo sát của doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh, thành phố và những dữ liệu “có sẵn” của các cơ quan Nhà nước. Nội dung tập trung vào 10 chỉ số thành phần phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh, những khía cạnh chịu tác động từ thái độ và hành động của cơ quan chính quyền. Đây là công cụ giúp các tỉnh, thành phố nhận diện điểm mạnh, điểm yếu về môi trường đầu tư của địa phương mình, nhận biết những tồn tại phải khắc phục để trở nên cạnh tranh hơn so với các tỉnh, thành khác.

 

Theo VCCI, chỉ số PCI của Phú Yên từ 57,87 điểm năm 2007 đã giảm còn 51,24 điểm trong năm vừa qua. Mặc dù trong thời gian này, môi trường kinh doanh của tỉnh có nhiều tiến bộ, có những chỉ số tăng điểm, nhưng không ấn tượng so với nhiều tỉnh, thành. Trong khi đó các chỉ số giảm điểm thì mức giảm khá nhiều nên PCI của Phú Yên từ nhóm khá tụt xuống nhóm trung bình, xếp thứ 39/64 tỉnh, thành trong cả nước. Bà Lê Thu Hiền, chuyên gia VCCI cho biết: Trong 10 chỉ số PCI, Phú Yên có 5 chỉ số giảm điểm trong năm qua là chính sách phát triển kinh tế tư nhân giảm 2,24 điểm, tính năng động và tiên phong của chính quyền cấp tỉnh giảm 1,02 điểm, chi phí thời gian giảm 0,71 điểm, chi phí không chính thức giảm 0,99 điểm, thiết chế pháp lý giảm 2,31điểm.

 

Trả lời điều tra VCCI từ năm 2007 đến nay, các DN Phú Yên đều cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn, khó tiếp cận mặt bằng hay các vấn đề về đất đai, thiếu hụt nhân lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính phiền hà, môi trường kinh doanh kém minh bạch, sự phát triển của các hiệp hội DN chưa tương xứng… Có 45,8% DN cho rằng “thủ tục vay vốn rất phiền hà”, 67,5% DN cho rằng “lãi suất và điều kiện cho vay đối với DN tư nhân luôn khó khăn hơn so với DN Nhà nước”; chỉ có 32,4% DN hài lòng với dịch vụ đào tạo nghề cho người lao động do cơ quan của tỉnh cung cấp; chỉ có 20,7% DN hài lòng về chất lượng đường giao thông, trong năm qua do chất lượng giao thông kém làm thiệt hại cho DN 24,2 tỉ đồng; có 74,2% DN hài lòng cho rằng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh nếu dễ dàng tiếp cận đất đai; 33,0% DN cho rằng khó tiếp cận thông tin, tài liệu ngân sách tỉnh; 34,2% DN cho rằng khó tiếp cận tài liệu và các kế hoạch về các dự án xây dựng hạ tầng mới; 39,8% DN cho rằng khó tiếp cận thông tin về các thay đổi của các quy định về thuế. Có 28,3% DN cho rằng mất hơn 10% thời gian trong năm để tiếp xúc cán bộ Nhà nước nhằm hiểu rõ và thực hiện các quy định của pháp luật; có 72,8% DN đồng ý với nhận định “các doanh nghiệp trong ngành của tôi thường phải trả thêm các chi phí không chính thức”, gần 10,1% DN cho biết các khoản chi không chính thức này chiếm trên 10% tổng thu nhập của DN; 42,4% DN cho rằng một số cán bộ cấp tỉnh sử dụng các quy định riêng vào mục đích trục lợi, chỉ có 25% DN cho rằng hệ thống pháp lý, hành chính có cơ chế thuận lợi để DN khởi kiện các hành vi phiền hà, tham nhũng của cán bộ Nhà nước…

 

thuy-san090226.jpg
Chế biến thủy sản tại khu công nghiệp An Phú  - Ảnh: D.T.X

 

LÀM GÌ ĐỂ NÂNG CAO PCI?

 

Có thể kết quả tổng hợp điều tra của VCCI nói trên có mặt nào đó chưa phản ánh chính xác môi trường kinh doanh của Phú Yên, nhưng điều đó đáng cho chúng ta đặt vấn đề thúc đẩy cải cách hơn nữa thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền. Không ít ý kiến của DN đáng để các cơ quan có trách nhiệm suy nghĩ. Có DN nêu ý kiến: “Các DN nhỏ và vừa luôn bị quấy nhiễu bởi các cán bộ thanh tra của huyện, tỉnh. Có DN thì được ưu tiên hơn, hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn…” hoặc “Từ khi lập dự toán, phê duyệt dự toán đến khi đấu thầu và có kết quả trúng thầu kéo dài thời gian thường ảnh hưởng đến việc khó khăn do giá cả tăng nhanh dẫn đến thiệt hại cho DN kinh doanh không có lãi…”. Có trường hợp DN nêu cụ thể: “Một chiếc xe tải ngang nhau, ở Bình Định thì chỉ nộp thuế bằng một nửa Phú Yên, nên nếu đầu tư vận tải không cần vay vốn Nhà nước thì đều để bảng số ở các tỉnh khác…”

 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia VCCI, để tăng lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, Phú Yên cần học tập những thông lệ tốt trong điều hành kinh tế của những tỉnh, thành có PCI thuộc nhóm rất tốt và tốt. Những lĩnh vực mà Phú Yên cần quan tâm là làm sao cắt giảm thời gian cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường theo mô hình “một cửa liên thông”; cải thiện quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, hình thành quy tắc “một việc một đầu mối”; tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa chính quyền và DN, có thể theo từng ngành nghề kinh doanh hoặc từng KCN, thành lập tổ công tác kịp thời giải quyết vướng mắc cho DN; tăng cường thông tin cho DN qua báo chí, website; chăm sóc DN, nhà đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu của họ là tư duy “hậu mãi” của nhiều tỉnh, thành…

 

Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc cho rằng, một trong những vấn đề tồn tại lớn của Phú Yên là tính minh bạch của các cơ quan Nhà nước còn hạn chế. Từ thiếu công khai, minh bạch đó mà cán bộ lợi dụng gây phiền hà, nhũng nhiễu DN. Để khắc phục điều đó, các cơ quan Nhà nước phải có thái độ phục vụ DN như “khách hàng”, biết “tư vấn” cung cấp thông tin, hướng dẫn DN trong kinh doanh, phải vận dụng chủ trương, chính sách có lợi nhất cho DN. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh cần lập đề án cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xem xét.

Hy vọng rằng khi đề án đó được triển khai thực hiện ở tất cả các sở, ngành địa phương thì môi trường kinh doanh của Phú Yên sẽ được cải thiện đáng kể và chỉ số PCI cũng sẽ được nâng lên.

 

Chỉ số PCI 2008 của Phú Yên:

 

- Chi phí gia nhập thị trường: 9/10 điểm, xếp thứ 6/64 tỉnh, thành.

- Ưu đãi đối với DN Nhà nước: 8,11/10 điểm, xếp thứ 6.

- Đào tạo lao động: 6,02/10 điểm, xếp thứ 8

- Tiếp cận đất đai: 6,95/10 điểm, xếp thứ 21

- Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân: 3,52/10 điểm, xếp thứ 26

- Tính minh bạch: 5,92/ 10 điểm, xếp thứ 38.

- Tính năng động và tiên phong của chính quyền: 4,01/10 điểm, xếp thứ 54.

- Chi phí thời gian: 4,49/10 điểm, xếp thứ 55.

- Thiết chế pháp lý: 2,64/10 điểm, xếp thứ 63 .

- Chi phí không chính thức: 5,73 điểm, xếp thứ 63.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek