Trong khi giá cả xuống thấp, tình hình dịch bệnh trên gia cầm và heo ngăn trở quá trình nâng cao tỉ trọng chăn nuôi thì chăn nuôi đại gia súc lại vướng phải... tập quán.
Nông dân miền núi chăn nuôi bò đàn thả rông nhiều năm dẫn đến đồng huyết, chất lượng thấp - Ảnh: LY KHA
KHÔNG NÂNG CAO ĐƯỢC TỈ TRỌNG CHĂN NUÔI
Ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đã đề ra chương trình nâng tỉ trọng chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp (không kể lĩnh vực thủy sản) vào năm 2010 từ nhiều năm trước đây. Chăn nuôi gia súc, đại gia súc được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các địa phương chọn làm phương thức xóa đói giảm nghèo. Trên thực tế, nhiều chương trình trong số đó đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp nông dân cải thiện đời sống. Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn chiếm tỉ trọng rất thấp so với cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp.
Năm 2008, chỉ tính riêng nông, lâm, ngư nghiệp, tổng giá trị sản xuất (giá thực tế) hơn 3.436 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đạt giá trị sản xuất hơn 2.465 tỉ đồng, lĩnh vực chăn nuôi chỉ đạt trên 865 tỉ đồng (còn lại là giá trị dịch vụ trong nông nghiệp), chỉ chiếm trên dưới 25%. Trong nhiều năm qua, giá trị chăn nuôi chỉ chiếm trên dưới 20% so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh cho biết, chỉ trong mấy đợt lạnh vừa qua, đã có tới 43 con bò trên địa bàn huyện bị chết. Thời điểm đầu năm 2008, số bò của huyện Sông Hinh bị chết lên tới 215 con. Năm 2005, toàn tỉnh có hơn 6.000 con bò bị chết do mưa, rét…
Vấn đề trên cho thấy, mục tiêu đẩy mạnh giá trị ngành chăn nuôi chiếm 40% tỉ trọng nông nghiệp vào năm 2010 và cao hơn trong những năm sau khó có thể đạt được.
CHƯA THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC CHĂN NUÔI
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, trên địa bàn huyện có hơn 38.000 con bò. Tình trạng bò chết trong mùa mưa diễn ra thường xuyên vì phần lớn bò đã còi cọc, thể trạng kém, sức chống chịu cũng kém trong khi đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp, thức ăn chăn nuôi không được đầu tư vì tập quán thả rông.
Chăn nuôi thả rông theo đàn chỉ chú trọng số lượng mà không chú trọng chất lượng đàn gia súc. Đây là vấn đề nan giải trong sản xuất nông nghiệp ở các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những phương pháp chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao thường chỉ phát huy được ở vùng đồng bằng.
Hơn một năm trước, ông Huỳnh Châu ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) mua 2 con bê giá 4,9 triệu đồng về nuôi. Ông vừa bán chúng với giá 23 triệu đồng. Không ít người chăn nuôi như ông Châu thu lãi cao nhờ phương thức này. Đây cũng chính là cách chăn nuôi hợp lý nhất mà ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân. Bò sẽ đạt trọng lượng tối đa và chất lượng thịt tốt nhất trong khoảng 24 tháng.
Nhiều chương trình giúp nông dân chăn nuôi bò hàng hóa cũng được thực hiện trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ phát huy ở khu vực đồng bằng trong khi miền núi chiếm số lượng lớn trong tổng đàn bò. Toàn tỉnh có khoảng 180.000 con, trong đó huyện Sông Hinh có hơn 38.000 con, huyện Sơn Hòa có 36.000 con... Điều kiện chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, không chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi bầy đàn làm cho cách tạo giống lẫn lộn qua nhiều năm dẫn đến đồng huyết, đưa chất lượng đàn bò khu vực miền núi xuống thấp. Do đó, nghề chăn nuôi đại gia súc không phát triển.
LAI TẠO ĐÀN BÒ THIẾU ĐỒNG BỘ
Chương trình lai tạo đàn bò là chương trình lai tạo, nâng cấp đàn bò lớn nhất của tỉnh được thực hiện hơn 10 năm qua, bằng cách dùng tinh bò các giống tốt thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho bò cái nền Phú Yên. Theo Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên, bò lai được phối tinh nhân tạo có độ sinh trưởng, phát triển nhanh hơn so với bò cỏ địa phương từ 30 - 44%; giá thành cao hơn, trọng lượng tối đa lớn hơn... nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này ở khu vực miền núi không thuận lợi.
Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Đào Lý Nhĩ cho biết: Thời gian gần đây, phong trào lai tạo bò phát triển mạnh nhất ở huyện Tuy An. Trong năm 2008, tỉ lệ phối tinh nhân tạo cho đàn bò của Tuy An lên tới 68,34% trong số 2.802 liều tinh xuất, đẻ được 1.867 con bê lai. Huyện Phú Hòa trước đây không tham gia chương trình TTNT cho bò, nhưng đến năm 2008, huyện này đã có chính sách hỗ trợ cho dẫn tinh viên và người dân tham gia chương trình này. Ông Nhĩ cũng cho biết, Sơn Hòa là huyện miền núi duy nhất thực hiện TTNT, năm 2008 có 182 con bê lai được sinh ra theo phương pháp này. Huyện Sông Hinh và Đồng Xuân không tham gia chương trình lai tạo đàn bò bằng TTNT.
Một chương trình lai tạo, nâng cấp chất lượng đàn bò lớn vẫn chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, thì thật khó để nâng cao tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp như chỉ tiêu đề ra.
KHOA THY